Đây được xem là diễn đàn thực chất, thiết thực nhằm thúc đẩy đối thoại hai chiều, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển bền vững sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Hội nghị lần này cũng là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ đề năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh: “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và giải quyết cơ bản các vướng mắc, tồn đọng”.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đối thoại, mở đường cho doanh nghiệp du lịch |
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Phú Lữ – Giám đốc ITPC – cho biết, việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 1/7/2025, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch. Theo ông, quá trình tái cấu trúc này không chỉ giúp mở rộng không gian phát triển, làm phong phú thêm hệ sinh thái sản phẩm du lịch, mà còn tăng cường tính liên kết vùng, tạo tiền đề xây dựng một hệ sinh thái du lịch đồng bộ, hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững lâu dài của thành phố.
Tuy nhiên, song song với cơ hội, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng đang đứng trước nhiều thách thức. “Giai đoạn mới đòi hỏi năng lực thích ứng và quản trị hiệu quả hơn từ cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cần sự phối hợp chặt chẽ để phát huy tối đa nguồn lực, hướng đến một ngành du lịch phát triển toàn diện, bền vững và có chiều sâu”, ông Lữ nhấn mạnh.
Từ góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, không một ngành nghề nào có thể phát triển đơn lẻ trong bối cảnh hiện nay. Ngành Du lịch muốn bứt phá cần có chiến lược phối hợp liên ngành, liên vùng và sự đồng hành thực chất từ các bên liên quan, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đã đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 30 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 130 nghìn tỷ đồng – một con số cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt khoảng 47% kế hoạch năm, trong khi mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là tăng trưởng 30% so với năm trước.
Trước thực tế đó, Sở Du lịch xác định cần định vị lại TP. Hồ Chí Minh như một điểm đến “hấp dẫn – thông minh – bền vững”, tận dụng lợi thế đa trung tâm, đa sản phẩm – từ du lịch hội nghị, văn hóa, nghỉ dưỡng ven đô đến sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao.
Thời gian tới, ngành Du lịch thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quản lý và thống kê. Đây là các yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh ngành du lịch đang bước vào giai đoạn phục hồi và tái cơ cấu mạnh mẽ.
Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Du lịch đã trực tiếp giải đáp hơn 35 câu hỏi và ghi nhận nhiều kiến nghị từ phía doanh nghiệp. Trong đó, nhiều đề xuất thiết thực được đưa ra như: Giảm thuế, hỗ trợ kinh phí cho các chương trình xúc tiến (famtrip, presstrip), điều chỉnh quy hoạch đất cho các dự án du lịch ven biển, xây dựng hệ thống trạm dừng chân trên các tuyến cao tốc nhằm tăng cường khả năng kết nối liên vùng...
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ những “nút thắt” chính sách, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch – một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế dịch vụ thành phố trong những năm tới.