HoREA kiến nghị sửa đổi các nội dung của Thông tư 06 để nâng cao khả năng tiếp cập tín dụng cho doanh nghiệp

14:10 24/08/2023

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp do quy định này không phù hợp với tình hình hiện tại.

Vào chiều tối ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNH) bất ngờ ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) về việc cấm cho vay một số lĩnh vực...

Liên quan đến Thông tư số 10 nêu trên, trước đó hồi ngày 28/6/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.

Thông tư này bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa
HoREA kiến nghị sửa đổi các nội dung của Thông tư 06 để nâng cao khả năng tiếp cập tín dụng cho doanh nghiệp (Ảnh: Minh họa).

Quy định chưa phù hợp

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định, Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/06/2023 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 “quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng” do được ban hành trước Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ nên chưa thể hiện đầy đủ chủ trương chuyển chính sách tiền tệ của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Khoản 2 Điều 1 “Thông tư 06” bổ sung “khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN” có quy định có dấu hiệu chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật và chưa thật phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức đối tác công tư PPP…

Bên cạnh đó, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 746/TTg-KTTH ngày 16/08/2023 “V/v các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp” như sau:

“Qua các phản ánh của các chủ thể chịu tác động và các cơ quan báo chí, các chuyên gia; để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17 tháng 4 năm 2023, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 8 năm 2023”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để góp phần cùng “chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”. Nếu tại thời điểm hiện nay không kịp thời sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, kể từ ngày 01/09/2023 (Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực) “những nhu cầu vốn hợp pháp” như hoạt động đầu tư, góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hoặc để bù đắp tài chính, nhưng các tổ chức tín dụng “không được cho vay”, mặc dù nhà đầu tư vay tín dụng vẫn phải đáp ứng “điều kiện vay vốn” theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, phải chứng minh năng lực tài chính, có khả năng trả lãi và vốn gốc hoặc dự án có tính khả thi hoặc có tài sản bảo đảm và tổ chức tín dụng có quyền quyết định cấp tín dụng hoặc không cấp tín dụng theo khoản 2 Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định “tổ chức tín dụng có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bỏ “khoản 8 Điều 8” do chưa phù hợp

HoRAE kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ “khoản 8 Điều 8” do có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013 và một số quy định của luật như khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010; khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 52, điểm h khoản 1 Điều 76, điểm d khoản 1 Điều 111, khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 2 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020:

“Khoản 8 Điều 8” quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “8. Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013 và một số quy định của luật như khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010; khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 52, điểm h khoản 1 Điều 76, điểm d khoản 1 Điều 111 và khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 2 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 25, Điều 26 Luật Đầu tư 2020, như sau:

Thứ nhất, “khoản 8 Điều 8” có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 51 Hiến  pháp 2013 do chưa bảo đảm tính “bình đẳng” giữa đa số các doanh nghiệp là “công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” với thiểu số các doanh nghiệp khác là “công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom”:

Đối chiếu “khoản 8 Điều 8” với khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013 quy định “2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”, Hiệp hội nhận thấy, đa số các doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom cần phải được đối xử bình đẳng như thiểu số các doanh nghiệp khác là “công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” trong đó có nhu cầu vốn của nhà đầu tư được đề xuất vay tín dụng để đầu tư vào các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom và nhà đầu tư phải đáp ứng “điều kiện vay vốn” của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về tín dụng.

Thứ hai, “khoản 8 Điều 8” lại quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” là chưa đối xử bình đẳng với các công ty này.

Trong khi đó, các loại hình công ty khác như công ty cổ phần niêm yết hoặc đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom thì tổ chức tín dụng được cho nhà đầu tư vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.

Hơn nữa, trong cả nước chỉ có khoảng 67 doanh nghiệp bất động sản là công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ chiếm khoảng 0,16%.

Theo thông tin từ trang web https://yuanta.com.vn ngày 12/09/2022, chỉ có khoảng 09 doanh nghiệp bất động sản là công ty cổ phần đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom - khoảng 0,02% trong tổng số hơn 40.000 doanh nghiệp bất động sản trong cả nước.

Điều này đồng nghĩa với việc đa số các doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, trong đó có nguồn vốn mà các nhà đầu tư vay của tổ chức tín dụng, nhưng “khoản 8 Điều 8” quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhà đầu tư này.

Do vậy, “khoản 8 Điều 8” có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013 do chưa bảo đảm đối xử “bình đẳng” giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, “khoản 8 Điều 8” có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định mục đích sử dụng vốn hợp pháp:

Đối chiếu “khoản 8 Điều 8” với khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về “xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay” như sau: “1. Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng”.

Hiệp hội cho rằng, việc nhà đầu tư đề xuất vay tín dụng của nhà đầu tư “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” là hoạt động đầu tư có “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010, Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020.

Do vậy, theo HoRAE, “khoản 8 Điều 8” quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” chưa phù hợp với khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020.

Ngoài ra, “khoản 8 Điều 8” có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015 do đã hạn chế “quyền” của các nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng để đầu tư vào các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom:

Chưa hết, HoREA còn nhận thấy, “khoản 8 Điều 8” không hạn chế “quyền” tiếp cận tín dụng của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom nhưng đã hạn chế “quyền” của các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế và nhà đầu tư cá nhân không được vay tín dụng để đầu tư vào các công ty nói trên.

Đối chiếu “khoản 8 Điều 8” với khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong khi đó, đề xuất vay tín dụng của nhà đầu tư “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” cũng là “quyền dân sự” và không thuộc trường hợp “quyền dân sự có thể bị hạn chế”.

Tuy nhiên, “khoản 8 Điều 8” lại quy định tổ chức tín dụng không được cho nhà đầu tư vay tín dụng “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom”. Điều này đồng nghĩa với việc đã “hạn chế quyền dân sự” của các nhà đầu tư đề xuất vay tín dụng để đầu tư vào các loại hình công ty nào.

Đó là chưa kể, “khoản 8 Điều 8” lại được quy định tại “Thông tư 06” thay vì “theo quy định của luật” nên có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015.

Thứ ba, “Khoản 8 Điều 8” có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 52, điểm h khoản 1 Điều 76, điểm d khoản 1 Điều 111 và khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 2 Điều 5, khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020:

Khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “quyền của doanh nghiệp” được “3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.

- Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 về “tài sản góp vốn” quy định “1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam; 2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật”.

- Khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác…”.

- Điểm h khoản 1 Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “quyền” của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được “h) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định phát hành trái phiếu”.

- Điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 về công ty cổ phần, quy định  d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này”.

- Khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 về “hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh” quy định “3. Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại”.

- Khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 quy định “2. Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật”.

- Khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020 quy định “ Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây: a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh …”.

Ảnh minh họa
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng khoản 8 Điều 8 chưa phù hợp 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, đối chiếu “khoản 8 Điều 8” với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (trên đây) thì doanh nghiệp có quyền “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”; “công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác”; cổ đông của công ty cổ phần “có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác”; thành viên hợp danh “được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác” nếu “được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại”.

Theo ông Châu, nếu đối chiếu “khoản 8 Điều 8” với các quy định của Luật Đầu tư 2020, có thể thấy: “nhà đầu tư được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng theo quy định của pháp luật; nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức mua cổ phần của công ty cổ phần; góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”. 

“Do vậy, nhà đầu tư đề xuất vay tín dụng để đầu tư vào các “công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” là hoạt động có “mục đích sử dụng vốn hợp pháp”, ông Châu nói.

Nghệ Nhân