Theo nguồn tin nội bộ giấu tên cho biết, ban quản lý đang cân nhắc cắt giảm khoảng 20 - 30% lực lượng lao động, tương đương khoảng 25.000 - 36.000 việc làm. Theo SonntagsZeitung, riêng tại Thụy Sĩ, có tới 11.000 người có thể bị mất việc làm. Trước khi hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ nói trên sáp nhập, UBS tuyển dụng khoảng 72.000 người, trong khi Credit Suisse tuyển dụng khoảng 50.000 người.
Ngày 19/3 vừa qua, Chính phủ Thụy Sĩ đã phải nhanh chóng dàn xếp việc UBS tiếp quản Credit Suisse để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau những lo ngại nguy cơ xảy ra "hiệu ứng domino" từ vụ sụp đổ các ngân hàng ở Mỹ.
Giữa tuần này, UBS đã thông báo sẽ đưa cựu Giám đốc điều hành Sergio Ermotti trở lại để giải quyết những thách thức sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ này mua lại đối thủ trong nước đang gặp khó khăn Credit Suisse.
Ông Ermotti, từng là Giám đốc điều hành UBS giai đoạn 2011 - 2020, được ghi nhận là người đã khôi phục danh tiếng của UBS nhờ các gói cứu trợ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
UBS và Credit Suisse đều nằm trong số 30 ngân hàng lớn trên thế giới, do đó đều được coi là những Ngân hàng Quan trọng trong hệ thống toàn cầu (GSIB). Các ngân hàng này được xếp hạng theo mức độ quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu và phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, như mức vốn dự phòng để ứng phó khi xảy ra khủng hoảng.
Các quy định nghiêm ngặt nhất hiện đang được áp dụng đối với ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ. UBS sẽ có thể tăng thứ hạng sau vụ sáp nhập trên. Cơ quan chức năng Thụy Sĩ sẽ phải nghiên cứu cách quản lý một ngân hàng lớn hơn, với những nguy cơ mang tính hệ thống cao hơn.
Ngọc Phi (TH)