Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ được tổ chức với quy mô trên 350 gian hàng, được bố trí thành 2 khu vực. Khu thương mại tổng hợp gồm trên 250 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh và khu vực triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ và sở Công thương các tỉnh, thành phố với gần 100 gian hàng.
Các sản phẩm chủ yếu tại Hội chợ gồm: Sản phẩm OCOP, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, thiết bị xây dựng, điện, điện tử, hàng may mặc, thời trang, nông lâm thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc phục vụ nông nghiệp và cơ giới hóa nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề...
Độc đáo với tên gọi rượu "Hoa vàng Đất Tổ", sản phẩm phân hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao, được trưng bày tại gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng huyện Phù Ninh. Anh Vũ Quốc Tế - Chủ Cơ sở sản xuất rượu Hoa vàng Đất Tổ, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh chia sẻ: Sản phẩm này được làm từ 100% nếp cái hoa vàng và men lá gia truyền, hương thơm, say không váng đầu, rượu để càng lâu thì độ trong càng cao, đảm bảo độ nguyên chất tuyệt đối cho người sử dụng. Hàng năm, cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng trên 30.000 lít, đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng.
Hội chợ là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, năng lực sản xuất kinh doanh, sản phẩm và thương hiệu có thế mạnh của mình; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tìm kiếm cơ hội đầu tư, ký kết các hợp đồng thương mại và bán các sản phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Phùng Minh Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết: "Tham gia Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ năm 2024, huyện Thanh Sơn có 4 sản phẩm OCOP đặc trưng gồm có: Chè xanh thơm Kim Tuyên, chè móc câu đặc biệt của HTX chè Cẩm Mỹ; mỳ Cự Thắng của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cự Thắng; thịt chua ống nứa của HTX thịt chua Thanh Sơn".
Theo ông Phùng Minh Dũng, Các sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh và nét văn hóa riêng của địa phương được các chủ thể đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác, thu hút người tiêu dùng và có đầy đủ thông tin cần thiết của sản phẩm như: mã QR, mã vạch... đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thông qua các hoạt động của hội chợ, nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự Giỗ Tổ có điều kiện, cơ hội giao lưu văn hóa, thương mại, du lịch, dịch vụ, tiếp cận, lựa chọn và mua sắm các sản phẩm hàng hoá có chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tích cực vào kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa và là hành động cụ thể hóa thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Quốc Huy