Từ ngày 1/10/2024, hơn 2.100 doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định mới được cập nhật. Quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp, chất thải, nông nghiệp, lâm nghiệp, và sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 13, trong đó ban hành danh mục các lĩnh vực và cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê. Theo đó, 2.166 cơ sở được xác định phải tuân thủ quy định này trong năm 2024. Cụ thể, ngành công thương có 1.805 cơ sở, ngành giao thông vận tải có 75 cơ sở, ngành xây dựng có 229 cơ sở, và ngành tài nguyên và môi trường có 57 cơ sở.
Các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của mình theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan như Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các UBND cấp tỉnh để rà soát và cập nhật danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê, và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”.
Việt Nam đã đưa ra mục tiêu cam kết giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào 2050. Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định số 06) ngày 07/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Tiếp theo đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục 1.912 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.
Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới nhưng đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ hệ thống các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm kê khí nhà kính cũng được triển khai thời gian qua.
Việc kết hợp hai hệ thống bằng cách tích hợp hệ số phát thải và công thức tính toán phát thải trong kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
P.V (t/h)