Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa gửi kiến nghị lên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính để góp ý về Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Trong kiến nghị này, VDCA đề xuất áp dụng mức thuế suất 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số và giải trí số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành kinh tế số phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo VDCA, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế số và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, VDCA nhận thấy một số nội dung trong dự thảo cần điều chỉnh vì có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp nội dung số và sản xuất phim, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc tế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Hội Truyền thông số đề nghị không áp thuế dịch vụ nội dung số, giải trí số |
Trong dự thảo, tại điểm a, khoản 1, điều 9, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng số mà không phân biệt giữa xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc các dịch vụ nội dung số xuất khẩu sẽ không còn được hưởng mức thuế 0% như hiện nay. Lý do là do cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu từ dịch vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, gây khó khăn trong quản lý thuế. Tuy nhiên, VDCA cho rằng việc áp dụng thuế suất 10% sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực cho doanh nghiệp kinh doanh nội dung số, đặc biệt là trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA, cho biết việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu dịch vụ trên nền tảng số xuyên biên giới sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp Việt Nam so với các quốc gia khác, nơi áp dụng mức thuế 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép khấu trừ thuế đầu vào, giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng nguyên tắc của thuế GTGT là thuế gián thu mà người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Trong trường hợp các dịch vụ nội dung số, người tiêu dùng chính là người xem, nhưng doanh nghiệp lại không thể thu được tiền thuế GTGT từ họ. Việc này tạo áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, vì thuế GTGT vô hình trung bị đánh trực tiếp vào doanh thu.
Ông Hồng cũng lưu ý rằng mức thuế GTGT hiện hành chưa tuân theo nguyên tắc điểm đến – tiêu dùng ở đâu thì thuế sẽ được đánh ở đó. Theo thông lệ quốc tế, thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu giúp các quốc gia nhường quyền đánh thuế GTGT cho quốc gia tiêu thụ dịch vụ, tránh tình trạng chồng thuế. VDCA cũng chỉ ra rằng các nhà sáng tạo nội dung số không cư trú tại Mỹ hiện bị khấu trừ từ 24 - 30% thuế thu nhập cho lượt xem từ Mỹ, và khi về Việt Nam lại phải chịu thêm thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân từ 7 - 30%, dẫn đến tình trạng chồng thuế. Điều này làm giảm động lực phát triển ngành văn hóa và nội dung số.
Với những bất cập này, VDCA kiến nghị Bộ Tài chính xem xét quy định trường hợp không áp dụng thuế suất 0% đối với các sản phẩm nội dung số thuộc nhóm giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số cung cấp trên nền tảng số khi doanh nghiệp không thể cung cấp tài liệu chứng minh dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam hoặc trong khu phi thuế quan theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, VDCA đề xuất giữ mức thuế 5% cho các dịch vụ văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật và sản xuất phim, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận của công chúng đối với các sản phẩm dịch vụ công cộng.