Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo”

00:52 13/11/2022

Ngày 12/11/2022, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn Quốc tế và Kinh nghiệm cho Việt Nam để các nhà hoạt định chính sách, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp…chia sẻ , trao đổi về ứng dụng AI.

Đây là thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề pháp luật và trí tuệ nhân tạo nói chung, và cụ thể là thiết lập các quy định riêng rẽ về trách nhiệm pháp lý liên quan tới ứng dụng AI trong đời sống xã hội nói riêng.

Trí tuệ nhân tạo (AI)  mang sự tối ưu cho cuộc sống con người

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các cấp độ sử dụng khác nhau nhằm mang lại sự tối ưu và tiện lợi cho cuộc sống con người. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống con người. 

Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn Quốc tế và Kinh nghiệm cho Việt Nam với các tham luận được trình khai thác nhiều góc nhìn về trí tuệ nhân tạo (AI).
Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn Quốc tế và Kinh nghiệm cho Việt Nam với các tham luận được trình khai thác nhiều góc nhìn về trí tuệ nhân tạo (AI).

Các vấn đề mới mẻ phát sinh liên quan đến AI đã và sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp. Trong đó, trách nhiệm pháp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần có quy định cụ thể.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước với hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới, như Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan Singapore, … đang nghiên cứu về lĩnh vực trên, cũng như đại diện của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, và nhiều cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, công ty luật, trường đại học, viện nghiên cứu khác trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật TP.HCM) và bà Lê Thị Hoàng Thanh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) đã nêu ra sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật. Đây cũng là định hướng của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

PGS.TS Bùi Xuân Hải, bà Lê Thị Hoàng Thanh và PGS.TS Trần Việt Dũng, được mở đầu với tham luận “Diễn giải các mô hình trí tuệ nhân tạo: Cơ sở kỹ thuật và thách thức pháp lý” của tác giả Jake van der Laan (CIO, Ủy ban dịch vụ tài chính và tiêu dùng (FCNB), Canada). Việc hiểu rõ các mô hình trí tuệ nhân tạo từ cơ sở kỹ thuật có thể giúp xác định bản chất của AI: AI hoạt động trên cơ chế tiếp nhận các dữ liệu từ nguồn cung và xử lý các dữ liệu đó. Chất lượng sản phẩm cũng như trách nhiệm pháp lý của AI nên được xem xét dựa trên đặc điểm này.

Tiếp nối phần trình bày của tác giả Jake van der Laan, tham luận về “Các nguyên tắc cho khung pháp lý điều chỉnh trí tuệ nhân tạo” của Luật sư Derek Ho (Cố vấn pháp lý về Bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, Mastercard khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi) đã đề cập đến những nguyên tắc cơ bản để xây dựng khung pháp lý đối với AI. Theo ông Derek Ho, triết lý điều chỉnh pháp luật đối với AI nên là luật mềm và nên căn cứ vào tính trục lợi để xác định trách nhiệm pháp lý phát sinh khi ứng dụng AI trong các lĩnh vực; AI rất dạng và khác biệt trong các ngành cụ thể vì vậy khung pháp lý về AI không nên dựa trên một đạo luật duy nhất, mà dựa trên nhiều quy định trong từng lĩnh vực cụ thể.

Mặt khác, ThS Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Giảng viên khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP.HCM), thông qua tham luận của mình, đã tham khảo pháp luật của các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga…và đề xuất xác định địa vị pháp lý của AI để từ đó, có cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo.  

TS.Nguyễn Thị Hoa (Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)
TS.Nguyễn Thị Hoa (Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM).

Trong đó, cần có quy định khái niệm “chủ thể vận hành AI” – khác với chủ thể sử dụng và chủ thể sản xuất AI. Đây là cơ sở để xác lập trách nhiệm pháp lý cho AI mà pháp luật EU đang sử dụng để xác định chủ thể chịu trách nhiệm dân sự do các thiệt hại từ nguồn AI; bên cạnh đó, Việt Nam nên có quy định cụ thể về trường hợp mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại và nên nghiên cứu triết lý của Liên minh Châu Âu trên tinh thần tạo điều kiện phát triển hơn là chế tài.  TS.Nguyễn Thị Hoa (Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)lại tiếp cận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do AI gây ra từ pháp luật của Liên minh Châu Âu, từ đó rút kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng khung pháp lý liên quan đến AI.

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc kết thúc phiên thứ nhất, về vấn đề “Quyền sở hữu trí tuệ của sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm sản phẩm từ kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ”. Tác giả đề xuất cần rà soát cơ sở pháp lý hiện hành của Việt Nam kết hợp đan xen những quy định mới, đề cao khía cạnh đạo đức cần đặt lên hàng đầu, đảm bảo an toàn và tin cậy. Ngoài ra, nên sử dụng luật mềm thay vì ban hành một đạo luật độc lập đối với ứng dụng AI.

Pháp lý phát sinh từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo

PGS. TS Trần Việt Dũng kết luận: Từ các tham luận về trách nhiệm pháp lý liên quan đến ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, có thể nhận thấy, không có và cũng không thể quy định một đạo luật chung nhất điều chỉnh trách nhiệm pháp lý khi ứng dụng AI. Bởi lẽ, trong mỗi lĩnh vực khác nhau, tuỳ theo mức độ ứng dụng khác nhau, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể khi ứng dụng AI là không giống nhau. Do đó, mỗi lĩnh vực cần xây dựng các quy định chuyên biệt để điều chỉnh. 

Ban tổ chức chụp lưu niệm với các chuyên gia, diễn giả, khách mời của chương trình
Ban tổ chức chụp lưu niệm với các chuyên gia, diễn giả, khách mời của chương trình.

Mở đầu phiên tham luận thứ 3 với nội dung “Trí tuệ nhân tạo và GDPR: làm sao để hài hòa cả hai từ góc nhìn của pháp luật châu Âu” của Tiến sĩ Mathias Artzt (Cố vấn pháp lý cao cấp, Deutsche Bank). Cùng quan tâm đến vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân, NCS.ThS Hồ Minh Thành trình bày tham luận “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý dữ liệu cá nhân - pháp luật Liên minh châu Âu và gợi mở cho Việt Nam”.

Luật sư Murata Tomonobu (đến từ Công ty luật Nishimura Asahi) lại tiếp cận trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuận nhân tạo đối với bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân từ góc nhìn pháp luật Nhật Bản.

Kết thúc phiên thứ ba là tham luận “Những bước đệm cơ bản để cải thiện khung pháp lý của Việt Nam về Bảo vệ Dữ liệu: So sánh với Dự luật C-27 của Canada về Đạo luật Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo và Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu của Châu Âu về trí tuệ nhân tạo” của ông Sébastien Lafrance (Công tố viên Liên bang của Canada; GS thỉnh giảng của Universitas Airlangga và Trường Đại học Luật TP. HCM).

Với sự phát triển khoa học-công nghệ, pháp luật Việt Nam nói riêng và pháp luật các nước nói chung đang phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ liên quan đến trách nhiệm pháp lý phát sinh từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tất cả những vấn đề này hoàn toàn chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ đó khiến cho các hoạt động liên quan đến AI gặp khó khăn và dễ xảy ra nhiều bất cập.

Hội thảo đã thành công khi tạo cơ hội để các nhà hoạt định chính sách, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp…chia sẻ, trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức, vấn đề pháp lý.

 Quang Duy – Vân Nguyễn