Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận- Nguyễn Minh, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận.
Về phía nhà trường có TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh; các GS.TS, PGS.TS thuộc lĩnh vực văn hoá, xã hội; các thầy, cô là Trưởng khoa, Giảng viên tại trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận phát triển bền vững; Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 22/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã triển khai thực hiện Đề án “Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 951/KH-UBND ngày 23/3/2021 triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025.
Trải qua quá trình thực hiện đến nay, đề án được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh xây dựng trên cơ sở tiếp thu các nội dung cốt lõi các hệ giá trị văn hóa, gia đình, con người Việt Nam đã được xác định tại Hội thảo quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam tổ chức ngày 29/11/2022 tại Hà Nội.
Dự thảo lần 3 của đề án gửi đến Hội thảo khoa học cấp khu vực lần này là kết quả của quá trình phối hợp xây dựng, tiếp thu hoàn chỉnh trên cơ sở góp ý cơ quan, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh qua Hội thảo khoa học cấp tỉnh và Hội nghị phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh mong muốn, hội thảo sẽ nhận được nhiều góp ý trực tiếp của các đại biểu đối với nội dung dự thảo đề án, làm rõ về tính khoa học và tính thực tiễn của đề án, nhất là những nội dung cụ thể của chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với 16 giá trị chuẩn mực cốt lõi của các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam. Đồng thời mong nhận được ý kiến phân tích, đánh giá, sự đóng góp, phản biện của các chuyên gia để có thể rút ra những nét đặc trưng cơ bản về văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận bổ sung nội dung dự thảo đề án được hoàn thiện, đầy đủ nhất.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Với tôn chỉ và sứ mệnh của nhà trường, nhà trường luôn tiếp tục kết nối, xây dựng các cộng đồng, trong đó có tỉnh Bình Thuận để ứng dụng kiến thức khoa học trong quá trình hình thành, hoàn thiện phát triển văn hoá con người của từng địa phương.
TS. Lê Hoàng Dũng tin tưởng rằng, thông qua hội thảo, các đại biểu sẽ chia sẻ những ý kiến, kiến thức quý báu để giúp Ban soạn thảo đề án của tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh đề án trước khi trình ra các cấp có thẩm quyền.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia phát biểu ý kiến, làm rõ hơn về giá trị đặc trưng về văn hoá của vùng đất, con người Bình Thuận. Ngoài ra trên cơ sở về đặc trưng địa lý, khí hậu, kinh tế của địa phương, một số ý kiến cho rằng, tính cách con người Bình Thuận có thể quy thành các tiêu chí như sau: cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo, nghĩa hiệp, hào sảng. Chứng minh cho luận điểm này, có ý kiến cho rằng, Bình Thuận từng là đất “tị địa” cho các sĩ phu yêu nước Nam Bộ khi thực dân Pháp xâm lược miền Nam. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên đường vào Sài Gòn đã dừng chân một thời gian tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết.
Với tinh thần yêu nước, người Bình Thuận đã xây dựng nên những phong trào yêu nước chống Pháp, tham gia cách mạng xuyên suốt qua 02 cuộc kháng chiến. Tinh thần đoàn kết của con người Bình Thuận còn thể hiện qua đặc điểm tộc người khi Bình Thuận là vùng đất cư trú của 35 dân tộc.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng đã làm rõ hơn về chuẩn mực văn hoá gia đình, dòng họ ở Bình Thuận, từ đó định hướng giải pháp triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, có thể tích hợp tinh hoa văn hoá Chăm trong mô hình tổ chức làng, tộc họ, gia đình và luật tục truyền thống để xây dựng “Chuẩn mực văn hoá, gia đình, con người Bình Thuận” trong thời kỳ đổi mới...
Sau hội thảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo đề án chuẩn bị phục vụ tọa đàm khoa học lấy ý kiến của Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Nghiên cứu văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 8/2024 và dự kiến trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét cho ý kiến trong tháng 10/2024 và triển khai thực hiện từ năm 2025.
Duy Quang