Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh nói sẽ tiếp tục chủ trương thu phí tham quan bởi đó là việc thích hợp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản và được UNESCO ủng hộ, theo TTO.
Hội An đang làm một hoạt động tổng lực về việc cải thiện môi trường du lịch theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh Quảng Nam. Trong đó, việc cải thiện môi trường có rất nhiều vấn đề và Hội An đang chọn một số vấn đề nổi bật để triển khai trước.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh, Hội An là thành phố di sản, nhưng là di sản sống. Một quần thể hơn 1.000 căn nhà cổ đang được bảo tồn rất tốt nhờ ý thức cộng đồng và nguồn lực rất lớn từ tiền bán vé thu được rồi trích quay lại trùng tu.
Có thể nói Hội An đã thực hiện tốt mô hình "lấy di tích nuôi di tích", không thể có phố cổ đẹp, độc đáo tận ngày nay nếu không có khoản tiền đóng góp thông qua mua vé vào tham quan từ khách. Đây cũng là cách làm chung nhiều nơi trên thế giới.
Lâu nay Hội An đang giao cho hai đơn vị sự nghiệp gồm Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An đảm đương giữ ấm, duy trì phố cổ. Nguồn kinh phí hoạt động đều trích từ vé tham quan.
Trước hết, Hội An chọn năm 2023 để triển khai cải thiện môi trường du lịch trên lĩnh vực trật tự đô thị, an toàn cho du khách, trật tự không gian và vệ sinh môi trường, cảnh quan. Lấy chủ đề năm là lập lại trật tự đô thị và mỹ quan đô thị.
Thứ hai là qua chiến dịch cao điểm tổng ra quân để dọn dẹp vỉa hè, đặc biệt địa bàn trọng yếu là khu phố cổ để mở rộng ra các khu vực xung quanh. Qua đó làm cho khu phố cổ tươm tất hơn, sạch đẹp hơn.
Thứ ba là mở rộng tuyến phố đi bộ Phan Châu Trinh, từ đó siết chặt lại phương án quản lý và bán vé tham quan. Lý do là những năm vừa rồi dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực và địa phương đã “thả” vé, du khách đã đến với khu phố cổ tự do trong thời gian qua.
Tuy nhiên là địa phương sống nhờ du lịch, là nguồn thu chủ yếu của nhân dân và Nhà nước nên vấn đề quản lý cần được sát sao hơn. Hội An không chỉ có phố cổ mà còn có nhiều khu vực lân cận, cho nên địa phương không chỉ muốn làm chặt tại khu vực này mà còn dựa trên mối quan hệ tổng hòa với tầm nhìn toàn cục, lấy khu phố cổ làm trọng điểm nhưng phải có tác động đến mối quan hệ tương hỗ bên ngoài.
Trong những năm qua, nguồn thu của Hội An không có gì nhưng địa phương vẫn cố gắng duy trì, giá vé vẫn giảm, không thu ngân sách nhưng vẫn làm. Điều đó cho thấy rằng chính quyền và nhân dân Hội An không phải đem lợi ích kinh tế, không phải lấy lợi ích ngân sách làm hàng đầu, tối thượng, trong khi ngân sách là thiết yếu để địa phương hoạt động.
Lấy ví dụ trong năm 2022, số liệu thống kê từ những bãi xe lớn, các tour báo cáo thì có 1.530.000 lượt khách nhưng chỉ có khoảng 350.000 người mua vé tham quan, ở mức độ 1/5. Nhưng thành phố phải bỏ ra nhiều công sức, con người để phục vụ chừng đó khách du lịch, như vậy là bất công bằng.
Nếu tình trạng này kéo dài, đừng nói đến chuyện thất thu mà còn mang lại tiêu cực. Vì vậy cần phải sắp xếp lại, bồi dưỡng nguồn thu. Song hành với đó là phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng phục vụ.
Cùng với đó, việc mở rộng không gian đến đường Phan Châu Trinh là để đúng theo cơ chế quản lý là khu vực 1, thêm khoảng "thở" cho khu vực phố cổ, chứ không phải để thu nhiều tiền hơn.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - cho hay, không phải 15/5 này Hội An mới bán vé. Việc này đã được thực hiện từ năm 1995 đến nay. Tức là bán vé trọn gói vào khu vực 1 đã được thực hiện gần 30 năm qua, và 7 lần điều chỉnh giá vé và cơ cấu mua vé và lần gần nhất là năm 2012, thực hiện theo nghị quyết HĐND tỉnh.
Lúc đó đã có một cuộc đấu tranh kịch liệt giữa Nhà nước Thị xã Hội An với cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù lúc đó du lịch vẫn chưa phát triển mạnh mẽ.
Bởi lẽ, Hội An đã cho thấy tình trạng bán vé riêng lẻ từng di tích gây lỗ vốn rất nhiều so với việc bán vé trọn gói tham quan. Lúc đó, tỉnh đã có 2 barie để thu phí người dân tại các khu vực ra vào địa phương, sau đó dịch chuyển vào khu vực dành cho những người tham quan khu phố cổ đối với khu vực 1.
Từ đó đến nay, địa phương đã có 7 lần thay đổi phương thức bán vé tham quan. Đồng thời, thay đổi cơ cấu ô vé, từ giai đoạn chỉ có hơn 10 ô vé đến nay đã có 25 ô vé. Trong đó, các điểm này không chỉ bán vé cho các địa điểm tham quan Nhà nước quản lý mà còn bán vé cho các di tích tập thể và tư nhân. Thậm chí, địa phương còn có một chính sách ưu đãi cho di tích tư nhân đó là lấy di tích nuôi di tích, để họ có sinh kế, được hỗ trợ từ 10 – 13% từ kết quả bán vé.
Từ đó cho thấy rằng Hội An không phải tận thu ngân sách, ông Lanh nhấn mạnh.
Ông Lanh cũng lý giải, chuyện bán vé đã có từ lâu nhưng đến nay lại được nhắc lại, khiến dư luận dậy sóng là bởi vì qua đại dịch COVID-19 (từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021), hầu như các di tích ở Hội An bỏ không, không có ai đến. Thậm chí phải áp dụng biện pháp giảm, sau đó miễn vé. Nhưng từ tháng 3/2022 trở lại đây, khi mở cửa trở lại, du lịch Hội An phục hồi rất nhanh, có giai đoạn bùng nổ do du khách quá nhiều.
“Tuy nhiên, 2022, tổng lựợt khách vào phố cổ mà chúng tôi thống kê sơ bộ ở các bãi xe là hơn 1 triệu lượt, nhưng chỉ có 300 ngàn khách mua vé. Như vậy chúng ta thất thoát 1/5. Còn từ năm 2019 trở về trước là chúng ta thất thoát 40%”, ông Lanh nói thêm.
Thực tế lâu nay có tình trạng nhiều đơn vị tổ chức lữ hành không mua vé cho khách. Khi đưa khách đến khu phố cổ Hội An, các đơn vị thường thả du khách đi tự do mà không hướng dẫn chăm sóc chu đáo.
Điều này tạo nên cảm giác hụt hẫng, vì không có vé đồng nghĩa với việc du khách không được khám phá giá trị đích thực của không gian phố cổ Hội An mà lẽ ra quyền lợi đó họ được hưởng.
“Việc triển khai các biện pháp chống thất thu, siết chặt việc bán và kiểm soát vé, quyết liệt xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa khách đi chui sẽ được thành phố triển khai song hành với việc bồi dưỡng các nguồn thu từ vé tham quan để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi; Không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé”, ông Lanh chia sẻ.
“Mục đích lớn nhất là để tạo một điểm đến đường hoàng, để du lịch Hội An được tổ chức bài bản hơn và công bằng, bình đẳng hơn. Bởi mong muốn rằng, tất cả khách đã đến Hội An thì phải được phục vụ một cách tốt nhất. Họ sẽ cảm thấy hài lòng, được trải nghiệm, được khám phá, được thấu hiểu Hội An hơn”, ông Lanh nói thêm.
Bửu Hoàng