Hòa Bình: Trao giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho 28 cơ sở sản xuất kinh doanh

09:05 12/01/2023

Ngày 11/1, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết và trao giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ năm 2022 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn và chứng nhận quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP,hữu cơ;gửi văn bản thông tin về các tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ tư vấn, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong năm. Các Trạm quản lý chất lượng liên vùng đã cử viên chức phối hợp các chuyên gia đánh giá 30 mô hình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ của 28 tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) nông sản trên địa bàn tỉnh, tổng quy mô được chứng nhận 480,3 ha, sản lượng 9.617 tấn sản phẩm/năm, có 733 hộ sản xuất tham gia. 

Đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình trao giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình trao giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã cấp 16 giấy chứng nhận VietGAP cho 15 tổ chức, cá nhân, 592 hộ tham gia, quy mô chứng nhận 362,99 ha quả có múi và rau các loại, sản lượng dự kiến 5.991,9 tấn/năm; cấp 7 giấy chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi cho 7 tổ chức, cá nhân, 47 hộ tham gia, quy mô chứng nhận 5,654 ha (gồm chăn nuôi lợn, gà, ong), sản lượng dự kiến 340,19 tấn/năm; 1 giấy chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng rau các loại cho 1 tổ chức, quy mô 3 ha, sản lượng 60 tấn/năm; 6 giấy chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu) cho 6 tổ chức, 93 hộ tham gia, quy mô chứng nhận 108,7 ha (gồm nhãn, quả có múi, thanh long), sản lượng dự kiến 3.225 tấn/năm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, thảo luận với các nội dung liên quan đến vấn đề thị trường, giữ gìn và bảo vệ thương hiệu nông sản, thực phẩm, đảm bảo đầu ra tiêu thụ, giá bán sản phẩm... nhằm thực hiện tốt hơn hoạt động hỗ trợ, tư vấn,chứng nhận các quy trình thực hành nông nghiệp tốt cũng như đảm bảo cho hoạt động SX-KD hiệu quả của các cơ sở, hộ sản xuất.

Nhân dịp này, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã trao giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho 28 cơ sở SX-KD nông sản đã được hỗ trợ, tư vấn thực hiện.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình