Hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng

07:48 05/07/2022

Đến nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành liên quan...

Từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường

Thời gian vừa qua, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có nhiều lần nhắc đến việc cần thực hiện các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút rung chuông và gõ búa kết thúc phiên giao dịch chiều 16/5/2022 (theo giờ địa phương), tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút rung chuông và gõ búa kết thúc phiên giao dịch chiều 16/5/2022 (theo giờ địa phương), tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Giới chuyên gia nhìn nhận và cho biết, việc nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc nâng chất để đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Từ đó, thu hút thêm lượng lớn vốn ngoại, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững.

Vấn đề thanh lọc thị trường, nâng cao năng lực hệ thống giao dịch được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Điều này cho thấy, Việt Nam đang quyết tâm nâng chất cho thị trường chứng khoán. Nâng cao chất lượng thị trường nhằm bảo vệ nhà đầu tư, mở ra cơ hội cho chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) có diễn biến phức tạp, chỉ số VN-Index sau thời gian tăng đã giảm xuống xấp xỉ mốc 1.200 điểm tương đương thời điểm năm 2018. Căn cứ vào những diễn biến này, giới chuyên gia nhận định việc nâng hạng TTCK trong năm 2022 khó khả thi khi TTCK còn diễn biến phức tạp.

Về phía Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ này cho biết, việc nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà TTCK Việt Nam đang hướng tới. Lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo "Chiến lược Phát triển TTCK tới 2030" đang trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư AFA Capital, các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính).

Về quy mô và thanh khoản, có bốn tiêu chuẩn gồm: số lượng công ty được nằm trong Standard Index, tổng vốn hóa thị trường, vốn hóa thả nổi và thanh khoản thị trường được tính bằng tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm thì Việt Nam gần như đã đáp ứng được ba tiêu chuẩn.

Đây cũng được coi là điều kiện cần và đủ để Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn về định lượng. Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Trong kỳ xếp hạng mới nhất vào tháng 6/2021, có chín tiêu chí mà Việt Nam vẫn chưa đạt.

Các tiêu chí không đạt như: tỷ lệ sở hữu, hạn chế về sở hữu và quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài; sự dễ dàng luân chuyển vốn vào ra và mức độ tự do của thị trường ngoại hối; hệ thống lưu ký và thanh toán vẫn còn hiện tượng nghẽn lệnh, cũng như phải có những công cụ thấu chi, ứng trước tiền để giao dịch; khả năng chuyển đổi khi có những giao dịch không qua sàn và thanh toán bằng hiện vật phải có sự phê duyệt trước của Ủy ban Chứng khoán.

Cần lưu ý rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Những kết quả đạt được

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam, được thể hiện qua một số kết quả.

Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên TTCK; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Các cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế để các tổ chức nắm bắt chính xác, cũng như cùng rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện.

Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.

Tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng TTCK

Bộ Tài chính cho hay, để bảo đảm sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan. Mới đây nhất, ngày 24/6 vừa qua, UBCKNN cũng làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng TTCK.

Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng liên quan nhằm được nâng hạng như: Tỉ lệ sở hữu nước ngoài hay một số quy định trên thị trường ngoại hối…

Các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỉ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch.

Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thông công nghệ thông tin mới cho TTCK; từ đó có nền tảng hạ tầng để phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.

Hiện nay, các quy định hiện hành đã được sửa đổi theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ trên thị trường. Theo đó, một trong những điểm nổi bật là cho phép đăng ký mã số giao dịch trực tuyến. Mới đây nhất, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký. Dự kiến trong tháng 8 tới, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút gắn, nhà đầu tư có thể được giao dịch ngay trong chiều ngày T+2.

Bảo Ngân (T/h)