![]() |
Sáng ngày 19/2, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao từ đa số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết gồm 4 chương, 17 điều, quy định nhiều chính sách quan trọng nhằm tăng cường hỗ trợ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Trong đó, chính sách hỗ trợ tài chính để xây dựng nhà máy đầu tiên phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn được đánh giá là một bước tiến quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng sẽ được hỗ trợ tài chính nếu đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nghị quyết, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ sẽ được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương, với điều kiện nhà máy được nghiệm thu và đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Mức hỗ trợ tối đa là 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, doanh nghiệp được phép trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm bổ sung kinh phí cho dự án.
Nghị quyết cũng quy định chính sách giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất và không đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện dự án và đề ra mức hỗ trợ cụ thể.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định nhiều chính sách quan trọng khác như cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ, khoán chi trong nghiên cứu khoa học, chính sách phát triển tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế và thí điểm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỷ đạo tầm thấp. Nghị quyết sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2030.