Bài liên quan |
Hiệp hội Thép Việt Nam: Đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp thép, cơ khí vượt khó khăn |
Hiệp hội Thép khuyến nghị loạt quy định phòng vệ thương mại mới của Hoa Kỳ |
Dưới áp lực ngày càng lớn từ lượng thép mạ nhập khẩu giá rẻ, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương, đề nghị sớm có biện pháp xử lý vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (vụ AD19). Đây là động thái nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không cân sức từ hàng nhập khẩu tràn vào thị trường.
Theo VSA, kể từ khi biện pháp chống bán phá giá đối với thép mạ (vụ AD02) hết hiệu lực vào tháng 5/2022, lượng thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc đã gia tăng mạnh, chiếm đến 64-67% tổng lượng thép nhập khẩu trong giai đoạn 2022-2023. Điều này gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp nội địa, vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí và tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Hiệp hội Thép VSA: Cần sớm xử lý vụ phòng vệ thương mại thép mạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc |
Trước tình trạng thép nhập khẩu ồ ạt, Bộ Công Thương đã có động thái áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cuộn cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc theo Quyết định số 460/QĐ-BCT vào ngày 21/2/2025 (vụ AD20). Biện pháp này được đưa ra sau đơn kiện của Tập đoàn Hòa Phát và Formosa, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, trong khi thép cuộn cán nóng – nguyên liệu quan trọng để sản xuất thép mạ – đã được bảo vệ, thì vụ việc liên quan đến thép mạ nhập khẩu (AD19) vẫn chưa có kết luận cuối cùng, dù đã bị 5 doanh nghiệp ngành tôn mạ khởi kiện từ cuối năm trước.
Điều này dẫn đến một nghịch lý: Thuế chống bán phá giá tạm thời khiến giá thép cuộn cán nóng trong nước tăng cao, đẩy chi phí sản xuất thép mạ leo thang. Trong khi đó, thép mạ nhập khẩu giá rẻ vẫn tiếp tục tràn vào thị trường, tạo ra áp lực cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp nội địa. Việc thiếu sự đồng bộ trong chính sách phòng vệ thương mại không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho ngành thép mạ mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành thép trong nước.
Trước thực trạng này, VSA nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm có biện pháp xử lý vụ AD19 nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất thép mạ trong nước. Nếu tình trạng trên không được kiểm soát kịp thời, ngành thép nội địa có nguy cơ suy giảm năng lực cạnh tranh nghiêm trọng trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước.