Ngày 24/4/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo về việc áp dụng các quy định mới liên quan đến điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và chống lẩn tránh đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Cục Phòng vệ thương mại đã ra công văn số 406/PVTM-P3, thông báo cho các cơ quan và hiệp hội liên quan về những thay đổi quan trọng này.
Các quy định mới bao gồm: Cho phép điều tra và áp thuế trợ cấp xuyên quốc gia; bổ sung cáo buộc về chương trình trợ cấp mới; bổ sung quy định lựa chọn nước thay thế; và quy định chi tiết về tình hình thị trường đặc biệt (PMS), cùng một số sửa đổi khác.
Theo đó, DOC bổ sụng trường hợp Chính phủ nước bị điều tra CTC bỏ qua, không thu các khoản phí, tiền phạt, hình phạt phải nộp (ví dụ phí xử lý nước thải, tiền phạt vi phạm tiêu chuẩn an toàn lao động trong nhà máy...) cũng được coi là 01 khoản trợ cấp, do Chính phủ đáng lẽ đã yêu cầu thanh toán, hoặc phải có hành động để thu các khoản đó. DOC cho rằng, đây được coi là một khoản trợ cấp có thế đối kháng vì Chính phủ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu (khoản tiền không phải nộp hoặc chậm nộp).
Ngoài ra, DOC cũng bổ sung quy định coi các khoản vay từ Chính phủ hoặc ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ là một khoản tài trợ (grant) nếu không có khoản thanh toán gốc và lãi nào được thực hiện trong vòng 03 năm, trừ khi người nhận khoản vay có thể chứng minh được việc không thanh toàn đó phù hợp với các điều khoản vay thương mại tương đương trên thị trường hoặc phù hợp với các điều khoản của hợp đồng vay.
DOC cũng bổ sung và cụ thể hóa các quy định về điều tra PMS trong các vụ việc điều tra CBPG, cho phép DOC có thể sử dụng giá trị thay thế để tính toán biên độ phá giá trong vụ việc đó, tương tự như phương pháp tính toán biên độ phá giá cho các nước NME như đã trình bày tại mục 11.3. DOC định nghĩa PMS tồn tại khi: Không thể so sánh hợp lý giá bán tại nước xuất khẩu với giá xuất khẩu; hoặc dẫn tới bóp méo chi phí nguyên liệu và chế tạo hoặc các công đoạn sản xuất khác, khiến chi phí sản xuất không phản ánh chính xác chi phí sản xuất trong điều kiện thương mại thông thường. DOC đưa ra một số ví dụ về PMS như: Áp thuế xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu, ban hành và thực thi các quy định hạn chế cạnh tranh mang lại vị thế đặc biệt cho các nhà sản xuất được ưu đãi hoặc tạo ra rào cản gia nhập thị trường, sự kiểm soát trực tiếp của Chính phủ đối với việc định giá hàng hóa, việc Chính phủ thực thi yếu hay không hành động... Các ví dụ này cho thấy khả năng bị kết luận tồn tại PMS khá lớn vì bao hàm phạm vi rất rộng.
Cục Phòng vệ thương mại đã dự báo tác động của các quy định này đến Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp. Đầu tiên, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá cả. Tăng cường sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, và tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần triển khai hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế; và lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Doanh nghiệp không nên tiếp tay cho các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hay gian lận xuất xứ để tránh phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại và chống lẩn tránh.
Linh Anh