Phong phú mẫu mã, giá rẻ là thế mạnh của hàng “made in China”
9/10 sản phẩm bán qua mạng là "made in China"
Ông Đ.B.Long, chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu mật ong lớn tại TP.HCM, từng mất rất nhiều thời gian tìm, gửi người sang tận Đài Loan để mua được chiếc dao ghép cây có xuất xứ Đài Loan. Nhưng sau đó ông đã tìm mua được chiếc dao này sau 2 ngày đặt hàng trên một trang thương mại điện tử (TMĐT). Ông ví dụ, thử tìm sản phẩm “mật ong nguyên chất” trên trang Lazada, cho ra kết quả 2.022 sản phẩm được rao bán. Trong đó, rất nhiều sản phẩm mật ong không nhãn mác, không xuất xứ, được bán giá từ 200.000 - 800.000 đồng/lít.
“Tôi nghĩ 5 - 7 năm nữa, thị trường bán lẻ sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ với phần lớn là bán qua mạng. Chúng ta không thể cưỡng lại xu thế này, song chúng ta không thể dung dưỡng cho nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các chợ điện tử. Nguy cơ lớn nhất và dễ thấy nhất là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ từ từ thay thế hàng giá rẻ Việt Nam trên các kênh TMĐT, đặc biệt các kênh do nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào”, ông Long nhấn mạnh.
Kênh phân phối thuộc về nước nào, đó sẽ là nơi bán hàng của nước đó. Thực tế chứng minh sau khi cả hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro và Big C Việt Nam về tay các nhà đầu tư Thái Lan, cùng với hàng loạt thương hiệu bán lẻ của nước ngoài như Robinson, B’s Mart... bành trướng tại thị trường Việt Nam cũng là lúc rất nhiều sản phẩm từ Thái đã được thay thế hàng Việt trên các quầy kệ trong những hệ thống đó. Hiện nay, khoảng 60% thị phần “chợ” điện tử thuộc về 3 sàn Lazada, Tiki, Shopee của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đoàn Đình Hoàng cho biết chọn 10 món trên Lazada có đến 9 món là “made in China”. Nếu trước đây hàng Trung Quốc chỉ tung hoành tại các chợ vùng ven thì nay đang bành trướng trên các “chợ” online. Đặc biệt khi việc công khai bán hàng nhái, hàng giả thì hàng gì cũng có thể vào được Việt Nam, đến tận tay mọi gia đình người Việt.
Cần thanh lọc chợ điện tử
Chuyên gia tư vấn chiến lược Swot Tran (Mỹ), từng có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho các tập đoàn bán lẻ ngoại vào Việt Nam, cho rằng TMĐT thường được giới trẻ lựa chọn khi mua sắm hơn người lớn tuổi. Thế nên, nếu Việt Nam kiểm soát và làm nghiêm trong việc xử lý những doanh nghiệp (DN) vi phạm về chất lượng hàng hóa, sẽ hạn chế được tiêu cực và phát huy được thế mạnh của lĩnh vực này. “Các trang bán hàng online nước ngoài tại Việt Nam liên tục báo lỗ nhưng chưa có đơn vị quản lý nào hỏi thăm “sức khỏe”, điều này khá lạ trong bối cảnh cạnh tranh khuyến mãi, giảm giá rầm rộ”, chuyên gia này đặt vấn đề.
Chuyên gia Đoàn Đình Hoàng nhấn mạnh: Chúng ta đang cần giải pháp mang tính chiến lược tổng thể để thúc đẩy phát triển thương mại nói chung. Cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, loại bỏ các hành vi gian dối như kinh doanh hàng gian, hàng giả trên online. Đặc biệt tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia vào những xu hướng, lĩnh vực mới nhiều hơn. Ở các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, hoạt động yểm trợ cho DN được thực hiện bài bản, từ xúc tiến thương mại, bán hàng từ kênh trực tiếp đến online...
“Bản thân các DN đã nói rất nhiều lần là không cần nhà nước hỗ trợ về tiền bạc hay miễn giảm thuế, phí cụ thể. Nhưng họ cần chính sách công bằng giữa các nhà đầu tư ngoại và DN trong nước. Xét về lý thuyết Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách nhưng thực tiễn vận hành chưa đáp ứng được mong đợi của DN”, ông Hoàng chia sẻ thêm.
Ngày 26/7, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Hàng giả ngập “chợ” điện tử, Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã tổ chức họp khẩn, thành lập tổ công tác xác minh những nội dung bài báo nêu. Tại cuộc họp, ông Trần Hùng, Cục trưởng Cục QLTT, cho biết sau khi đọc bài báo trên, lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo họp khẩn, thành lập tổ công tác, khẩn trương xác minh, nếu thấy hiện tượng nào đúng thì phải điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. Cũng theo lãnh đạo Cục QLTT, cần xem xét vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa bán qua các trang cá nhân trên Facebook theo hướng quy trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng cho chủ tài khoản rao bán.
T.N