Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới (bão số 4). |
Vừa qua bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh với cấp gió 12, giật trên cấp 13, gây mưa lớn trên diện rộng, ngay sau đó tỉnh ta lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ nghiêm trọng (lịch sử nhiều năm chưa có). Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lũ ở thượng nguồn kết hợp xả lũ hồ thủy điện làm lũ các sông trên địa bàn tỉnh lên rất nhanh, một số nơi đã vượt xa mực nước báo động III, duy trì nhiều ngày đe dọa an toàn đê điều và thủy lợi, gây ngập lụt khu vực ngoài bãi sông và một số nơi trũng thấp, khu đô thị… Bão và mưa lũ đã làm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, trường học, cơ sở y tế, trụ sở, nhà xưởng, công trình đê điều, thủy lợi, xây dựng, giao thông, điện lực, văn hóa… trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, hiện nay trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin) đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới, sáng ngày mai (18/9) đi vào Biển Đông và mạnh lên thành bão số 4, bão có quỹ đạo và diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với siêu bão YAGI (bão số 3) và có khả năng di chuyển hướng về khu vực Bắc Bộ trong đó có tỉnh Hải Dương. Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão tiếp tục có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh và tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương vừa có văn bản số 136/PCTT&TKCN -VP về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. |
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, bản tin thời tiết để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động công tác phòng chống, ứng phó.
Tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó với bão, mưa lũ đã thực hiện trong thời gian vừa qua để chủ động cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để chủ động triển khai ứng phó khi có tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”; kiểm tra, đánh giá các sự cố đê điều, thủy lợi đã xử lý trong đợt bão, lũ vừa qua nếu chưa an toàn thì thực hiện ngay việc tu bổ, gia cố để đảm bảo an toàn chống bão, mưa lũ; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời khi có diễn biến mất an toàn.
Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã tổ chức việc bơm tiêu úng cho các diện tích bị úng ngập, chủ động hạ thấp mực nước đệm trong kênh để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn.
Các địa phương, đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, mưa lũ tiếp tục tổ chức công tác khắc phục hậu quả, đồng thưc hiện thống kê, tổng hợp, báo cáo và ước tính kinh phí thiệt hại do bão số 3 gây ra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra và Quyết định 268/QĐ-UBND ngày 20/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Quy định công tác trực ban và chế độ báo cáo trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, tình hình thời tiết, thiên tai, báo cáo kịp thời với Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã để chủ động trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.