Hà Nội thu ngân sách nhà nước đạt hơn 255 nghìn tỷ đồng

20:25 07/12/2021

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội ước thực hiện là 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% so với dự toán HĐND Thành phố giao.

Báo cáo Công tác chỉ đạo, điều hành; phòng, chống dịch và triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của UBND Thành phố tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, cùng với công tác phòng, chống dịch, Thành phố luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý 3. Dự kiến GRDP năm 2021 của Thành phố tăng khoảng 2,35 - 3,0%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9 - 2,4%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện là 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% so với dự toán HĐND Thành phố giao. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 84.734 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán trung ương giao, trong đó chi đầu tư phát triển là 38.887 tỷ đồng (đạt 84,3% dự toán Thành phố giao và đạt 93,3% dự toán trung ương giao), chi thường xuyên là 45.437 tỷ đồng (đạt 95,9% dự toán).

Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng; trong đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố đã hỗ trợ trên 966 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hàng hóa nhu yếu phẩm).

Năm 2022, UBND Thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đồng thời, đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

UBND TP sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp, trọng tâm là thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của Thành phố, triển khai đồng bộ, thông suốt hệ thống văn phòng điện tử từ cấp Thành phố đến các cấp cơ sở gắn với lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Thành phố sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục tận dụng có hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh gắn với triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, đạt được những kết quả nổi bật trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân Thủ đô; trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của HĐND và các vị đại biểu HĐND các cấp; HĐND Thành phố đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, mục tiêu tổng quát cơ bản của thành phố Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid 19; Tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh trật tự an toàn xã hội; Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Theo Bí thư Thành ủy, với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, các đại biểu cũng cần phân tích, đưa ra về biện pháp phòng, chống dịch bệnh để các ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới; tiếp tục tiêm vắc xin, nhất là cho các đối tượng học sinh theo khuyến cáo của ngành y tế; tập trung nguồn lực cho y tế và khám chữa bệnh cho nhân dân; các kịch bản phòng chống dịch để cho học sinh đến trường; quyết tâm không để dịch bệnh làm tụt hậu đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Đáng chú ý, ông Đinh Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu toàn Thành phố phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó, cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố một cách thực chất để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo TCDN