Hà Nội lên kế hoạch thay thế 4 bến xe trung tâm

20:40 11/04/2022

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa

Cụ thể, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm, tại cửa ngõ giao với Vành đai 4 - là nơi kết hợp điểm đầu, cuối của xe buýt công cộng, gần các nhà ga đường sắt đô thị để vận chuyển hành khách ra vào nội đô.

Theo đó, khu vực nghiên cứu chính tại đô thị trung tâm từ Vành đai 4 trở vào có quy mô diện tích hơn 3400km2. Các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm, tại cửa ngõ giao với Vành đai 4 - là nơi kết hợp điểm đầu, cuối của xe buýt công cộng, gần các nhà ga đường sắt đô thị để vận chuyển hành khách ra vào nội đô.

Khu vực trung tâm, các bến xe hiện tại gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm về lâu dài sẽ thay thế bằng các bến xe khác. Quỹ đất từ các bến xe cũ sẽ được làm bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm.

Thành phố Hà Nội cũng xác định các hạng mục ưu tiên đầu tư theo giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2025, Thành phố xây dựng 4 bến xe khách gồm bến Cổ Bi, bến Đông Anh, bến Yên Sở và bến Sơn Tây 1 và 4 bến xe tải gồm bến Yên Viên, bến Cổ Bi, bến phía Nam và bến Khuyến Lương.

Bên cạnh đó là 3 trung tâm tiếp vận ở phía Nam, phía Đông Bắc và phía Bắc. Các bãi đỗ xe với 122 vị trí, quy mô diện tích khoảng 168ha và 2 bãi đỗ xe trung chuyển tại nút giao quốc lộ 6 với Vành đai 4 và nút giao quốc lộ 32 với đường 70.

Về các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện, thành phố tăng cường công tác kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe.

Ưu tiên việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có. Có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, khai thác và vận hành các bãi đỗ xe theo quy hoạch.

PV