Ngày 1/7/2022. UBND TP. Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo “Thông tin về tình hình Kinh tế - Xã hội quý II năm 2022”.
Mở đầu buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND Thành phos Trương Việt Dũng cho biết, Thành phố đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.
Kinh tế Thành phố trong Quý II/2022 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,49% (cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm là 6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% (gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 6,02% và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)... Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, ngành du lịch thành phố cũng có bước phục hồi mạnh mẽ. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%); Khách du lịch trong nước tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các Sở, ngành của Thành phố cũng đã thông tin nhiều vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm như: tình hình dịch COVID-19, vụ án liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe…
Vụ án “Kit xét nghiệm Việt Á” hiện vẫn đang là chủ đề dành được rất nhiều sự quan tâm của dư luận nói chung và báo giới nói riêng. Tại buổi họp báo, liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Công an Thành phố đã khởi tố 3 vụ án, gồm một vụ liên quan Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), một vụ liên quan Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, một vụ liên quan Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm: Ông Trương Quang Việt (Giám đốc CDC Hà Nội) và bà Lê Thị Bích Tuyến (Trưởng phòng Tài chính Kế toán CDC Hà Nội) bị cáo buộc đã nhận 1,1 tỷ của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, đưa các thông số kỹ thuật của kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giúp cho công ty này trúng thầu 2 dự án cung cấp kít xét nghiệm, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 9 tỷ đồng. Ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội”; đồng thời ban hành quyết định bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Trương Quang Việt và bà Lê Thị Bích Tuyến. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Thông tin về tình hình dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tình hình dịch đã giảm rất nhiều so với thời gian trước. Hiện Hà Nội ghi nhận nhận số ca mắc trung bình là 180 ca/ngày. Bên cạnh đó, cũng theo kết quả giải trình tự gen của Bệnh viện Bạch Mai có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến chủng BA.5. Đây là biến chủng phụ của Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn các biến chủng khác như BA.1, BA.2 nhưng mức độ nặng hay không chưa có bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên, cả 3 trường hợp đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Nói về thực trạng hàng trăm cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết hiện tượng này xảy ra rải rác trong năm. Nguyên nhân cơ bản là do dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm tạo áp lực tương đối lớn lên cán bộ y tế tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng.
Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo với các cấp lãnh đạo và đưa ra một số giải pháp thực hiện – ông Vũ Cao Cương thông tin.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin, hiện nay, Sở đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố. Năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 46 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 20 tỷ đồng. Đối với UBND quận, huyện, thị xã đã có 12/30 quận, huyện, thị xã tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2, đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết thêm, để tăng cường thu, tránh thất thoát nguồn thu, Sở đã giao cho Thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn thành phố như hành vi trông, giữ xe quá diện tích; trông, giữ xe trái phép, không phép…
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên báo chí về các biện pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: Qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hoặc là đất không phải giải phóng mặt bằng) và đã được UBND Thành phố quyết định giao đất, đang thực hiện thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định…
Ngân Phương (T/h)