Gỡ khó trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp

11:45 05/08/2022

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn và gặp nhiều vướng mắc với vấn đề đất đai, nhưng khi các bên lắng nghe nhau thì sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất có thể để sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn. Những vấn đề thực tiễn đã chứng minh là đúng thì tiếp tục áp dụng, những vấn đề lịch sử để lại thì lần sửa đổi này phải giải quyết được.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo.

Chiều 4/8, Bộ TN&MT phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì soạn thảo) xây dựng trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; tổng kết Luật Đất đai. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai và giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật đất đai và các Luật có liên quan…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn được nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để trả lời thật tốt các câu hỏi: Làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước - người dân - doanh nghiệp…

Lắng nghe ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, dự thảo có quy định về các căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện nhưng không đưa cụ thể căn cứ vào quy hoạch vùng đã được phê duyệt để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đồng bộ, tránh sự chồng chéo, mẫu thuẫn về quy hoạch.

Liên quan đến nội dung lập quy hoạch, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất, cần quy định cụ thể hơn về trình tự thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất. Trình tự lập quy hoạch tuân thủ theo quy định có liên quan (Luật Quy hoạch) thì cũng cần phải quy định cụ thể tại Luật Đất đai để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện. "Vì dự thảo Luật chỉ quy định về việc lấy ý kiến và thẩm định quy hoạch, ngoài hai thủ tục này còn rất nhiều thủ tục khác có liên quan để có thể lập được quy hoạch mà dự thảo Luật Đất đai không đề cập", ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu vấn đề.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì hiện có sự không thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Theo đó, Luật Nhà ở quy định trường hợp các chủ đầu tư đang có loại đất khác (phi nông nghiệp không phải đất ở) khi muốn chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì bắt buộc đất đó phải có một phần đất ở thì mới được chuyển đổi. Chính vì quy định này nên có nhiều dự án bị ách tắc.

"Tại dự thảo Luật Đất đai đã có sự tiến bộ khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở mà không cần điều kiện như Luật Nhà ở, chỉ cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đây là điểm có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng theo tôi vẫn cần bổ sung thêm điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt", ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định.

Về bảng giá đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu ý kiến, dự thảo đã bỏ quy định về hệ thống khung giá đất và hệ số biến động 5 năm/lần, thay vào đó là quy định về bảng giá đất và điều chỉnh biến động mỗi năm một lần. Đây là điểm tiến bộ, nhưng cần làm rõ một số nội dụng.

Cần xác định rõ như thế nào được cho là giá đất phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất. Bởi lẽ, theo thực tế, giá đất trên thị trường luôn có sự biến động từng ngày. Việc Nhà nước xây dựng bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất. Vì vậy, nếu Nhà nước chỉ căn cứ vào sự biến động giá đất trên thị trường để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất trong năm thì bảng giá đất sẽ được điều chỉnh một cách liên tục. Như vậy, sẽ thiếu tính ổn định và gây nhiều tranh cãi, không thống nhất.

TH