Cơn “khát” lao động
Theo ghi nhận, từ đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp ở Bình Dương phục hồi tích cực, doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng mở rộng sản xuất. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ở Bình Dương bắt đầu tuyển dụng lao động với số lượng nhiều hơn. Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, tình hình lao động, việc làm trên địa bàn đã ổn định hơn so với đầu năm nhưng tình trạng thiếu hụt lao động vẫn đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Đơn cử như hồi tháng 4, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã có thống kê tuyển dụng của 180 doanh nghiệp với hơn 22.000 lao động trên địa bàn và gửi văn bản phối hợp kèm theo danh sách tuyển dụng gửi đến Liên đoàn Lao động của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước để nhờ hỗ trợ, chia sẻ thông tin tuyển dụng đến người dân trong độ tuổi lao động được biết, tìm kiếm thông tin việc làm phù hợp tại Bình Dương.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp cần khoảng 25.000-30.000 lao động (trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 80%) và thực tế chưa thể có được nhân lực như mong muốn.
Thực tế gần đây, nguồn lao động trở về Bình Dương ít hơn. Tại các khu công nghiệp ở TP. Dĩ An, Thuận An như Bình Đường, Sóng Thần, Đồng An 1... nhiều công ty vẫn đang kê bàn ra đường để nhận hồ sơ của người lao động. Các doanh nghiệp ở thành phố Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên việc tuyển dụng trở nên khó khăn hơn, ít nguồn lao động về các địa phương này để ứng tuyển. Đơn cử như công ty sản xuất giày xuất khẩu (phường An Phú, thành phố Thuận An) cần tuyển trên 1.400 lao động, nhưng mỗi ngày chỉ nhận được chưa tới 30 hồ sơ ứng tuyển.
Dự báo, trong năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Bình Dương khoảng từ 60.000-80.000 công nhân lao động, con số này khó đạt được khi việc tuyển dụng khó khăn có thể sẽ còn kéo dài.
Theo nhận định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, thị trường chưa thu hút được một bộ phận lao động quan tâm do chế độ lương, đãi ngộ, môi trường làm việc tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, việc giới hạn độ tuổi, tay nghề, kinh nghiệm… cũng gây hạn chế trong tuyển dụng. Sự phát triển của các khu công nghiệp ở các tỉnh/thành khác đã giữ chân người lao động.
Hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao
Bình Dương đang thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, xu hướng tuyển dụng hiện nay của các doanh nghiệp là tập trung vào lao động có tay nghề, đã qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngay thay vì phải đào tạo lại. Tuy nhiên, nguồn lao động có tay nghề tại Bình Dương hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương kết nối với hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước để thu hút nguồn lao động từ các địa phương khác đến Bình Dương làm việc.
"Sở cũng kết nối chặt chẽ cung cầu lao động giữa các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động với các doanh nghiệp mở rộng quy mô và có nhu cầu tuyển dụng. Sở đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, trường trung cấp, cao đẳng, đại học với doanh nghiệp để giới thiệu học viên, sinh viên tốt nghiệp cho các doanh nghiệp", ông Tuyên cho hay.
Bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cũng chia sẻ, Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2024 - 2030”, trong đó có quy hoạch cụ thể các trường học ở khu vực phía Bắc của tỉnh để đáp ứng nhu cầu học tập của con công nhân khi thực hiện di dời nhà máy. HĐND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non trong các KCN, CCN trên địa bàn.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã được nâng lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện các trường đào tạo trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng thêm nhiều trường tư thục dạy nghề. Đồng thời, khẩn trương xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề chip bán dẫn, công nghệ cao... góp phần thu hút đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đa phần các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thời gian qua, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có chuyển biến tích cực và tăng lên hằng năm. Tỉ lệ học viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
Qua đó, đã đóng góp tích cực cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo. Việc gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước trong hoạt động GDNN bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích. Nhiều cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong phối hợp tổ chức cho học viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cho giáo viên tham quan thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Từ đó giúp việc đào tạo nghề được nâng cao chất lượng, ngày càng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Vân Nguyễn