Một chỉ số theo dõi các loại thực phẩm thiết yếu, từ lúa mì cho tới dầu thực vật, của Liên Hiệp Quốc (UN) tăng 3% lên mức đỉnh 10 năm trong tháng 10/2021, qua đó gây áp lực lên các hộ gia đình vốn đang căng thẳng trước tình hình đại dịch. Điều này càng khiến nỗi lo về lạm phát của các ngân hàng trung ương thêm trầm trọng hơn và gia tăng rủi ro xảy ra nạn đói toàn cầu.
Thời tiết bất lợi đã tác động tới mùa thu hoạch trên khắp thế giới trong năm nay. Đồng thời, đà tăng của giá cước vận tải biển và tình trạng thiếu hụt lao động đã làm chao đảo chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nông trại cho tới siêu thị. Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng khiến các nhà hoạch định chính sách thêm đau đầu, khi gây tác động gián tiếp tới giá phân bón.
Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp (FAO) thuộc UN -Abdolreza Abbassian cho biết: “Vấn đề với các nguyên vật liệu đầu vào và phân bón, cũng như tác động của chúng đối với mùa vụ năm 2022 thật đáng ngại. Tại thời điểm này, thị trường đã phản ánh vào phần lớn vấn đề về cung cầu. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa phản ánh triển vọng sản xuất năm 2022”.
Một số khu vực có khả năng tiếp tục đối mặt với các thách thức về an ninh thực phẩm. Hôm 04/11, Liên Hiệp Quốc nâng dự báo về giá trị giao dịch lúa mì toàn cầu lên mức kỷ lục, khi giá trị mua gia tăng ở các quốc gia Trung Đông, từ Iran cho tới Afghanistan. Tình trạng hạn hán tại các nước này đã tác động tiêu cực tới mùa vụ, làm gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn ngũ cốc nhập khẩu ngay khi giá đang tăng vọt.
PV