Với giá phân đạm ure trên thế giới liên tục tăng từ giữa tháng 6 đến nay, giá chủng loại phân bón dẫn dắt thị trường này tại Việt Nam đang rục rịch tăng theo giá thế giới cho dù nhu cầu tiêu thụ ở trong nước vẫn chậm.
Theo khảo sát mới nhất của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), nhu cầu ure trong thời gian qua tăng bất thường tại hầu hết các khu vực trên thế giới trong bối cảnh nguồn cung hàng giao ngay đang thiếu hụt tại khu vực Trung Á và Đông Nam Á.
Giá ure thế giới đã tăng liên tục từ trung tuần tháng 6 đến nay với mức tăng 24-50% (tùy thị trường). Hiện giá ure thế giới đã tăng lên mức tương đương thời điểm tháng 1-2/2023. Trong tuần từ 28/7-3/8, giá ure tiếp đà tăng 18-48 USD/tấn so với tuần trước; trong đó Trung Đông có giá tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch lại chậm khi giá tăng liên tục trong thời gian gần đây.
Giá tăng trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu tăng và có những lo ngại về những hạn chế xuất khẩu của chính phủ để đảm bảo nguồn cung cho vụ mùa thu sắp tới (dự kiến vào tháng 9). Với việc giá ure tăng mạnh, giá các loại phân bón chủ chốt khác như Kali, DAP, MOP, NPK trên thị trường thế giới đều tăng.
Theo khảo sát thực tế tại thị trường phía Bắc và phía Nam, các nhà máy ure tại Việt Nam cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đều có thông báo điều chỉnh giá lệnh tăng theo xu hướng giá thế giới, tiếp đà tăng liên tục từ khoảng giữa tháng 7 đến nay.
Trên thị trường, xu hướng tăng giá rõ rệt hơn tại phía Nam do khan hàng dù nhu cầu tiêu thụ nội địa không mạnh; trong khi tăng chậm hơn tại thị trường phía Bắc dù đang trong giai đoạn chăm bón cho lúa Hè Thu. Tại miền Bắc, các huyện chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn chăm bón cho lúa Hè Thu, tuy nhiên do nhiều đại lý đã nhập hàng từ trước nên vẫn còn hàng tồn kho bán rải rác, giá cả ít biến động hơn khu vực miền Nam. Trong khi đó, các nhà máy phía Bắc cũng điều chỉnh giá lệnh tăng ít hơn so với các nhà máy phía Nam nên chào giá ngoài thị trường cũng tăng chậm hơn.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, giá ure trong nước tăng theo xu hướng xu hướng giá ure thế giới trong khi hàng nhập khẩu về Việt Nam hạn chế. Thực tế là các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ đầu năm đã bị lỗ khi giá phân bón đột ngột giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023. Vì vậy, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chủ trương tiêu thụ hàng tồn kho và hàng sản xuất trong nước để đảm bảo an toàn.
Do vậy, nhập khẩu ure của Việt Nam trong tháng 7 chỉ đạt 15.000 tấn, giảm 22.000 tấn so với tháng 6, trong đó tại kỳ mới nhất từ 26/7-1/8 hầu như không ghi nhận hàng ure được giao về Việt Nam, ngoại trừ chỉ có lượng nhỏ 40 tấn ure Nhật Bản giao container về Cảng Sài Gòn với giá 385 USD/tấn CIF. Dự kiến trong tháng 8, nhập khẩu ure cũng không được cải thiện nhiều, chỉ ở mức 10.000 tấn.
Trong bối cảnh giá thế giới tăng, các nhà sản xuất trong nước cũng đã tăng chào hàng ure xuất khẩu. Trong ngắn hạn, dự báo thị trường trong nước tạm thời vẫn giữ xu hướng tăng giá theo giá lệnh mới và kỳ vọng xuất khẩu vẫn ở mức cao. Tuy nhiên hoạt động giao dịch sẽ không sôi động do nhu cầu tiêu thụ trong tháng 8 không mạnh bởi nhiều khu vực trái vụ.
Ngọc Phi (TH)