Gặp gỡ tỷ phú được Warren Buffett hậu thuẫn, người chèo lái ngành xe điện Trung Quốc

10:41 20/07/2021

Dưới sự hậu thuẫn của "phù thủy đầu tư" Warren Buffett, tỷ phú Vương Truyền Phúc đã gây dựng công ty từ con số không trở thành "gã khổng lồ" xe điện Trung Quốc.

Tỷ phú Vương Truyền Phúc
Tỷ phú Vương Truyền Phúc. (Ảnh: internet) 

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã giành được sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu trong ba năm qua, một phần là nhờ các đợt IPO thành công rực rỡ của các công ty mới nổi như Nio, XPeng và Li Auto tại thị trường Hoa Kỳ. Cũng từ đây, hàng loạt tỷ phú mới ra đời, làm nổi bật sự thay đổi trong cán cân quyền lực và công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trong đó, át chủ bài của Trung Quốc là nhà cung cấp xe điện BYD, đối thủ trực tiếp của Tesla tại thị trường nội địa. 

Không nằm ngoài xu hướng, cổ phiếu của BYD đã tăng vọt vào cuối năm, đạt 174% trong suốt năm 2020 tại Hồng Kông. Tuy nhiên, không giống các startup mới nổi, BYD có được hậu phương vững chắc là tỷ phú Warren Buffett, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đặt nền móng sâu rộng trong ngành công nghiệp. Theo số liệu ghi nhận, lợi nhuận ròng của công ty tăng hơn gấp đôi lên 660 triệu đô la vào năm ngoái so với năm 2019, doanh thu tăng hơn 1/5 lên 25 tỷ đô la. Vốn hóa thị trường của BYD là 91 tỷ đô la dẫn trước GM (80 tỷ đô la) và Ford (54 tỷ đô la). Hoạt động tài chính và cổ phiếu đã giúp giám đốc điều hành kiêm tỷ phú Vương Truyền Phúc xếp thứ 3 trong danh sách các CEO xuất sắc nhất Trung Quốc của Forbes năm 2021 được công bố vào thứ Năm. 

Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, được kỳ vọng trở thành trung tâm tương lai của xe điện (EV). Theo Statista, đất nước này được đánh giá là thị trường ô tô lớn nhất, chiếm gần một phần ba tổng số xe có động cơ được sản xuất trên toàn thế giới vào năm ngoái, tăng từ chỉ 13% vào năm 2008. Đây cũng là công ty dẫn đầu về doanh số bán xe điện, tăng 40% trên toàn cầu vào năm 2020 lên 3 triệu xe, so với mức giảm 15% trong tổng doanh số bán hàng thời đại dịch. 

Dưới tầm nhìn của tỷ phú họ Vương, xe điện sẽ sớm thống trị ở Trung Quốc. Tỷ lệ thâm nhập doanh số bán hàng mới của EV trong sáu tháng đầu năm đã tăng từ 6,4% trong tháng giêng lên khoảng 14% vào tháng sáu. Ông Vương cho biết: "Ngành công nghiệp đang thay đổi với tốc độ khó thể tưởng tượng", dự kiến doanh số bán xe năng lượng mới sẽ chiếm 70% thị trường nội địa vào năm 2030. 

Khu trưng bày xe BYD
Khu trưng bày xe BYD. (Ảnh: fortune) 

Tốc độ tăng trưởng nhanh và cổ phần hấp dẫn trên toàn cầu đã và đang thu hút cả những người mới gia nhập hoặc đối tác tiềm năng vào lĩnh vực ô tô, chẳng hạn như gã khổng lồ viễn thông Huawei, Tập đoàn Internet Baidu, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, Công ty sản xuất TV Skyworth và nhà phát triển bất động sản Evergrande, ngoài ra còn có XPeng và Nio.

Vương Truyền Phúc là trẻ mồ côi sinh ra ở một trong những tỉnh nghèo nhất tại Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ pin, ông có một thời gian đảm nhận vị trí Phó giám sát của Viện nghiên cứu Bắc Kinh, nơi ông tiếp nhận ảnh hưởng bởi làn sóng kinh doanh nổi lên khắp cả nước trong những năm 1990 với những tư tưởng cải cách mới.

Thành lập năm 1995, BYD bắt đầu với mảng kinh doanh pin niken. Sau đó, BYD Electronics, một nhánh phụ của công ty đạt thỏa thuận cung cấp pin cho Samsung và các tập đoàn khác. BYD bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô năm 2003, cho ra mắt các mẫu xe điện chở khách năm 2008. 

Sau này, BYD chính thức được Berkshire Hathaway của Warren Buffett hậu thuẫn. Tập đoàn này đã mua 9,9% cổ phần của BYD với giá 8 đô la Hồng Kông / cổ phiếu. Buffet đã gọi đối tác Charlie Munger là người đứng đầu nhóm Berkshire tại BYD năm 2009 còn Munger ca ngợi Vương Truyền Phúc và thành công của BYD là "một phép màu", thể hiện sự hài lòng đối với những tiến bộ công nghệ và tham vọng của hai bên.

Cổ phiếu của BYD đóng cửa vào hôm thứ sáu ở mức 212,20 đô la Hồng Kông mang lại cho Berkshire lợi nhuận gấp 26 lần. BYD đã bán được khoảng 41 nghìn xe năng lượng mới chỉ trong sáu tháng năm 2021, gần gấp ba lần năm 2020.

Trong sáu tháng đầu năm, công ty đã bán được 154.579 xe điện mới, tăng 154% so với một năm trước đó. Ông Vương và BYD tự hào khi sở hữu tuyến xe điện EV hiện bao gồm xe buýt, taxi, xe khách và ô tô cá nhân, cũng như các phương tiện hậu cần, xây dựng khác. Đến nay, BYD cung cấp các mẫu xe tại hơn 50 quốc gia và khu vực, bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi tập đoàn lắp ráp xe buýt ở California. Trong bối cảnh đại dịch, doanh thu nước ngoài chiếm chiếm 39% hoạt động kinh doanh của BYD vào năm ngoái. Đạt được thành công cho đến nay, BYD đã tạo ra ít nhất ba tỷ phú gồm Vương Truyền Phúc, Phó Chủ tịch Lv Xiangyang (12 tỷ đô la Mỹ) và Xia Zuoquan (3,9 tỷ đô la Mỹ).

Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của BYD, tỷ phú họ Vương, 55 tuổi thực hiện chiến lược "chuỗi công nghiệp và thị trường đầy đủ" cho xe điện. Trong đó, công nghệ cốt lõi để sản xuất xe điện bao gồm pin, động cơ điện, hệ thống điều khiển điện tử và chất bán dẫn ô tô. Bộ phận chất bán dẫn của BYD, BYD Semiconductors đặt mục tiêu niêm yết tại Trung Quốc trong năm nay. Không những vậy, tận dùng lợi thế chuyên môn về pin, Vương không chỉ mong muốn đưa công nghệ cốt lõi vào các mẫu xe riêng mà còn là "vũ khí" thương mại đối với các nhà sản xuất ô tô khác.

Mặc dù Tesla bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy mới ở Trung Quốc vào năm 2019 nhưng bất ngờ thay động thái này lại mang lại lợi ích cho BYD bằng cách nâng cao nhận thức của từng người tiêu dùng bán lẻ Trung Quốc. Nick Lai, trưởng bộ phận nghiên cứu ô tô châu Á tại JP Morgan cho biết: “Tesla đang "giáo dục" khách hàng còn Vương  thu hút những người tiêu dùng đó bằng các mẫu xe sedan mới, tiến tới mở rộng dài hạn trong doanh số xe EV".

Trên thực tế, đây là cách tiếp cận chiến thắng rất thông minh. BYD khởi đầu với tư cách là một công ty sản xuất pin, dự đoán thị trường EV, tiếp đó xoay vòng vốn để tạo ra các phương tiện giao thông với công nghệ pin vốn khó. Khi "gã khổng lồ" mở cửa phân khúc bán lẻ, BYD nhanh chóng theo dõi thị trường, định hướng thiết kế sản phẩm theo mục đích. Cuối cùng công ty sẽ thu được giá trị từ chuỗi cung ứng kinh doanh pin ban đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh khi cơ hội xuất hiện.

Bên cạnh thúc đẩy sự hiện diện tại thị trường nội địa, BYD cũng đang tìm cách tăng doanh số bán xe điện chở khách ở nước ngoài. Vào tháng 5, hãng đã thông báo rằng 1500 chiếc Tang EV sẽ được chuyển đến Na Uy trong năm nay. Tháng 2 năm 2021, hai bên đã ký một thỏa thuận với khách hàng Úc là Nexport cung cấp xe điện chở khách tại đây. Nhà sản xuất xe Trung Quốc tiếp tục lấn át thị trường xe buýt điện toàn cầu. Trong tháng này, công ty đã công bố một bước tiến mới tại California, Hoa Kỳ theo sau thương vụ ở Phần Lan trước đó.

Hình ảnh tỷ phú xe điện Vương Truyền Phúc thể hiện các công ty trong nước sẵn sàng xoay trục ngành công nghiệp khi có cơ hội. Thành công của EV liên quan đến thời cục, mở đường cho các doanh nhân thích ứng nhanh chóng và nhắm mục tiêu đến nhóm khách hàng trẻ tuổi.

Tỷ phú Vương Truyền Phúc còn có một lợi thế khác so với các đối thủ là kinh nghiệm lâu năm. Ông Vương tâm niệm: "Thị trường giống như một chiến trường và cạnh tranh là một cuộc chiến. Tại đây các vị tướng đóng vai trò cốt yếu và điều này đỏi hỏi doanh nhân trở thành người dẫn dắt". Nhà điều hành BYD chèo lái công ty phát triển với phương châm: "Dám đi tiên phong trong đổi mới”, “kiên trì và không bao giờ đầu hàng", "sự tin cậy là một phần quan trọng của tinh thần kinh doanh".  Không chỉ nhà lãnh đạo cần có kỹ năng mà "một công ty thành công phải nắm bắt đầy đủ các công nghệ quan trọng, thực hiện các chiến lược chính xác và có cơ chế ra quyết định nhanh chóng", vị tỷ phú nhận định.

TL