Sau nhiều tranh cãi, bế tắc và các cuộc biểu tình của nông dân, EU đã thông qua đạo luật đầu tiên với các mục tiêu và nghĩa vụ pháp lý để bảo tồn và hồi sinh môi trường sống tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Được xem là một trong những chính sách môi trường lớn nhất của EU, Luật Phục hồi thiên nhiên đã được thông qua vào ngày 17-6 với sự đồng thuận của 20/27 quốc gia thành viên, nhờ vào quyết định táo bạo của Bộ trưởng Môi trường Áo Leonore Gewessler.
Ý nghĩa của đạo luật đối với châu Âu
Theo luật mới, các nước EU sẽ ưu tiên khôi phục các khu vực thuộc mạng lưới Natura 2000, bảo tồn các loài và môi trường sống có giá trị và bị đe dọa nhất ở châu Âu. Họ cũng phải nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái của các khu vực đã được phục hồi và các khu vực có môi trường sống quan trọng như đất than bùn và rạn san hô.
Các quần thể côn trùng thụ phấn đang suy giảm ở châu Âu, cùng một số loài bướm và chim sẽ được khôi phục. Đạo luật này cũng sẽ giúp châu Âu trồng thêm khoảng 3 tỉ cây vào năm 2030 và đảm bảo không gian xanh đô thị cho người dân. Ngoài ra, các rào cản nhân tạo sẽ được dỡ bỏ khỏi các con sông để tăng khả năng kết nối nguồn nước, với mục tiêu khôi phục 25.000km sông chảy tự do vào cuối thập niên này.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đạo luật đã bị "yếu" đi sau các thảo luận, chẳng hạn như không đặt ra trách nhiệm thực thi ở các khu vực tự nhiên hoặc cho phép tạm ngừng các mục tiêu nếu ảnh hưởng đến diện tích đất cần thiết để sản xuất lương thực cho EU.
Quyết định bất ngờ của nước Áo
Luật này nhận được sự ủng hộ của 2/3 số phiếu cần thiết nhờ Bộ trưởng Gewessler, người đã bỏ phiếu quyết định dù biết sẽ gặp phản đối tại Áo. Các quốc gia như Phần Lan, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển đã bỏ phiếu chống, trong khi Bỉ bỏ phiếu trắng. Động thái của bà Gewessler khiến Thủ tướng Karl Nehammer tức giận và chính quyền Áo tuyên bố lá phiếu của bà là vi hiến. Tuy nhiên, Bỉ, nước giữ chức chủ tịch luân phiên EU, khẳng định mâu thuẫn này không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.
Đề xuất bởi Ủy ban châu Âu vào tháng 6-2022, đạo luật này nhằm khôi phục ít nhất 20% diện tích đất và biển của EU vào năm 2030 và tất cả các hệ sinh thái bị suy thoái vào năm 2050. Luật tập trung vào các khu vực có tiềm năng thu giữ và lưu trữ carbon cao nhất, bao gồm các vùng đất ngập nước, sông, rừng, đồng cỏ, hệ sinh thái đô thị và biển.
Mục tiêu của luật là tăng cường đa dạng sinh học, sử dụng thiên nhiên để làm sạch nước và không khí, cải thiện an ninh lương thực, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của thiên tai, đồng thời giúp châu Âu đáp ứng cam kết của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.
Chiến thắng cho tự nhiên
Tuy nhiên, đạo luật gặp nhiều tranh cãi từ giới lãnh đạo, nông thôn và chuyên gia châu Âu. Các đảng bảo thủ lo ngại luật sẽ đe dọa sinh kế của nông dân, giảm sản lượng lương thực, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá lương thực lên. Nhiều tháng qua, nông dân châu Âu đã biểu tình phản đối các quy định bảo vệ môi trường, đặc biệt khi nông nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu và thiếu hỗ trợ để chuyển đổi.
Một số quốc gia như Hà Lan lo ngại luật sẽ làm chậm việc mở rộng các trang trại gió và các hoạt động kinh tế khác. Ba Lan cho rằng luật này thiếu kế hoạch tài trợ cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.
Dù vậy, các tổ chức môi trường ca ngợi luật này là "thắng lợi lớn cho tự nhiên và công dân châu Âu". Chuyên gia Noor Yafai của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên gọi đây là "một ngày quan trọng đối với thiên nhiên", hứa hẹn khơi nguồn đầu tư đáng kể vào thiên nhiên và đa dạng sinh học từ cả khu vực công và tư.
Nhà vận động Siim Kuresoo của Tổ chức Fern cho rằng đạo luật này là cơ chế quan trọng để hướng các nguồn lực và năng lượng vào việc khôi phục thiên nhiên trên khắp châu Âu.
Quốc Anh t/h