EU thông qua đạo luật bảo vệ quyền con người trong chuỗi cung ứng

11:08 25/04/2024

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua luật cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức - một quyết định có thể tạo ảnh hưởng đáng kể lên chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hành vi của người tiêu dùng.

Ngày 23-4, với 555 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 45 phiếu trắng, các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu đã thông qua một đạo luật cấm các sản phẩm có liên quan đến lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, để có hiệu lực, văn bản này vẫn cần sự chấp thuận của 27 nước thành viên. Nếu được chấp thuận, các quốc gia EU sẽ phải bắt đầu thực thi luật trong vòng 3 năm.

Ảnh minh họa
Ngành nông nghiệp là một trong những ngành đáng lo ngại nhất, nơi lao động cưỡng bức tràn lan. Một số người có thể nghĩ rằng những người nhập cư không có giấy tờ là những người duy nhất bị nhắm mục tiêu, nhưng ngay cả những cư dân hợp pháp và công dân sở tại cũng có thể trở thành nạn nhân. Ảnh internet

Luật này nhấn mạnh việc bảo vệ quyền con người không chỉ đối với hàng hóa nhập khẩu mà còn đối với hàng hóa sản xuất tại EU, bao gồm cả nguyên liệu từ nước ngoài mà có liên quan đến lao động cưỡng bức.

Samira Rafaela, một nhà lập pháp đến từ Hà Lan, đánh giá cao tính toàn diện và rộng lớn của quy định này. Ông cho rằng, cùng với các quy định và chỉ thị khác, nó sẽ tạo ra một "yếu tố thay đổi cuộc chơi", buộc các doanh nghiệp và ngành công nghiệp phải hành động theo cách bền vững và có đạo đức, tôn trọng quyền con người trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.

Theo quy định mới, Ủy ban châu Âu sẽ có thẩm quyền tiến hành điều tra khi có nghi vấn về chuỗi cung ứng từ các quốc gia ngoài EU. Nếu phát hiện việc sử dụng lao động cưỡng bức, các cơ quan chức năng tại EU sẽ có quyền thu giữ hàng hóa tại biên giới và loại bỏ chúng khỏi thị trường cũng như kệ hàng của các nhà bán lẻ trực tuyến.

Đồng thời, EU cũng sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu thường xuyên cập nhật về các nguy cơ liên quan đến lao động cưỡng bức, nhằm hỗ trợ quản lý và đánh giá vi phạm.

Tác động của quy định này đã được thảo luận rộng rãi từ tháng 3, khi EU ban hành thỏa thuận tạm thời. Các nước và tổ chức quốc tế, như Mỹ, đã đưa ra lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong các ngành sản xuất hàng hóa nhập khẩu chính của EU.

Steve Trent, Giám đốc điều hành của Tổ chức Công lý Môi trường (EJF), nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy định chặt chẽ và cung cấp bằng chứng về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất thịt bò của Brazil và các ngành khác.

Trả lời báo Daily Star, ông Mohammad Hatem của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA) cho biết, Bangladesh đang tiến hành cải thiện điều kiện lao động nhằm tránh lệnh trừng phạt của EU và Mỹ.

EU đã công bố báo cáo về Bangladesh, Myanmar và Campuchia, bày tỏ lo ngại về điều kiện lao động và các vấn đề khác, như lao động trẻ em, trong các ngành sản xuất của những nước này.

Bình Anh t/h