Kỳ tích một con đường
Tôi may mắn được gặp bác Đồng Xuân Chế (Xã Nghi Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hóa) - Thượng úy Hải quân Nhân dân Việt Nam, một trong những thuyền trưởng của đoàn tàu không số đã trở về từ con đường huyền thoại mang tính chiến lược đó tại nhà riêng. Dù đã ở cái tuổi 85 nhưng trong tiếng nói, trong đôi mắt của người cựu binh già ấy vẫn hào sảng, vẫn lấp lánh khi tôi nhắc về con đường và những người đồng đội của bác. Rót chén trà nóng ân cần mời khách, rồi bác chậm rãi kể:
Năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam và nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn, Trung ương Đảng và Bộ chính trị quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân và đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời “Đường Hồ Chí Minh trên biển”,
Công tác tuyển chọn người để thực hiện nhiệm vụ trên con đường này rất cẩn mật, nhằm đảm bảo tính bí mật cho con đường. Từ những ngày đầu tiên, cán bộ chiến sĩ đoàn 125 bằng ý chí kiên cường vì Miền Nam ruột thịt đã đưa được hàng nghìn lượt tàu thuyền, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam và cả trên đất Campuchia. Thế nhưng năm 1968, trước sự kiểm soát gắt gao của quân địch, tuyến đường vận tải chiến lược trên biển đã bị lộ. Bộ chính trị và Quân ủy trung ương quyết định tạm dừng vận chuyển vũ khí trên con đường này. Sang những năm 1970- 1972, cuộc cuộc chiến tranh bước vào một giai đoạn mới, chiến trường Miền Nam thiếu vũ khí nghiêm trọng buộc chúng ta phải vận dụng lại tuyến đường chiến lược này, dù biết rằng đây là một quyết định liều lĩnh. Lúc bấy giờ Bộ chính trị và Quân ỷ trung ương đã mở một chuyến đi trinh sát do tàu 42 thực hiện. chuyến trinh sát thành công đã tìm ra một hướng đi mới cho các đội tàu thực hiện các chuyến vận tải trong giai đoạn những năm đầu thập niên 70.
Về phía địch, thời điểm đó, chúng huênh hoang tuyên bố đã kiểm soát được từng lớp sóng trên Biển Đông, nhưng trên tưc tế, các chuyến tàu chở đầy vũ khí của miền Bắc, bằng cách nguy trang thông minh, khéo léo vẫn đi qua trước mũi chúng mỗi ngày. Dù rằng chúng ta cũng bị tổn thất không hề nhỏ, nhiều chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm xuống cùng với con tàu và đạn dược, để có ngày đất nước hoàn toàn thống nhất như hôm nay.
Con đường ấy đã trở thành một “kỳ tích” khiến cho kẻ đich phải khâm phục, sợ hãi và kinh ngạc khi thực tế lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ và Hải quân Ngụy đã không ngăn nổi những chiếc tàu nhỏ bé của của Việt Nam hướng về Miền Nam ruột thịt. Đối với địch thì đây là câu chuyện hoang đường nhưng lại có thật. Đối với dân tộc ta, con đường ấy đã trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, là nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng của lòng quả cảm, trí thông minh và niềm tin vào chiến thắng. Con đường ấy là con đường huyền thoại. Và những người làm nên huyền thoại đó chính là những cán bộ, chiến sỹ lữ đoàn 125- đoàn tàu không số Anh hùng.
Người lính biển trở về từ con đường huyền thoại.
Cũng trong giai đoạn những năm đầu 1970, bác Đồng Xuân Chế trực tiếp nhận nhiệm vụ tại lữ đoàn 125, biên chế về tàu 54 ở vị trí thuyền phó. Kể về những ngày tháng trực tiếp xuống tàu, đấu trí với quân địch, vật lộn với bão gió cùng các đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ đưa hàng vào miền Nam, bác Chế bồi hồi nhớ lại:
Thực hiện nhiệm vụ vận tải trên biển trong giai đoạn này là thực hiện nhiệm vụ cảm tử, thế nhưng trong tình thế hiện tại, Tổng Bí tư Lê Duẩn đã động viên cán bộ chiến sĩ: “Miền Nam không thiếu lương thực, miền Nam chỉ thiếu vũ khí” nên các cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 125 ý thức được tầm quan trọng của sự thành công trong mỗi chuyến đi. Trước giờ lên đường, anh em chiến sĩ cùng nắm tay nhau và thề trước lá cờ Tổ quốc với ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tất cả vì đồng bào, chiến sĩ miền Nam, vì thống nhất đất nước. Miền Nam gọi, chúng tôi trả lời”. Theo tiếng gọi đó, tháng 9- 1970, trên con tàu 54, do bác Hai Đặng làm thuyền trưởng, bác Chế cùng với đồng đội chở 70 tấn vũ khí nhận lệnh vào bến Rạch Gốc. Trên con tàu đó đồng thời cài sẵn 7 tạ bộc phá để hủy tàu trong trường hợp cần thiết. Tàu của các bác theo đúng kế hoạch xuất phát từ vịnh Bái Tử Long, đi xuyên qua đảo Hải Nam, qua quần đảo trường sa. Tuy nhiên khi sang đến vùng biển Philippin thì tàu gặp bão. Cơn bão mạnh có gió giật trên cấp 12. Tàu nằm trong vùng tâm bão, bị song đánh vỡ cả hai vây giảm lắc, các hòm vũ khí cố định trên mặt boong đều bị vỡ bung , liệng khắp mặt boong tàu. Các chiến sĩ vật lộn với song gió đến kiệt sức, không thể nấu ăn, và cũng không ăn gì, anh em chỉ ngậm sâm để lấy sức chống chọi với bão. Trước tình hình vô cùng hiểm nghèo, ban chỉ huy tàu điện về Bộ Quốc phòng báo cáo và xin chỉ đạo.
Lúc bấy giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo qua điện đàm: “Đây là thời cơ tốt, Chi ủy chi bộ, cán bộ chiến sĩ động viên nhau vượt qua bão tố với tinh thần chỉ có tiến công”. Nhận được động viên, chỉ đạo của Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ trên tàu như được tiếp thêm sức mạnh cùng nhau vượt qua cơn bão. Lúc bấy giờ, với vai trò là thuyền phó, lại là người miền biển, quen sóng gió, bác Chế đã đề nghị với ban chỉ huy tàu được trực tiếp cầm lái để lái con tàu vượt qua những cơn song dữ, cầm cự với cơn bão. Sau khi vượt qua được cơn bão, tàu 54 vừa trở lại hành trình thì bị tàu của Hạm đội 7 phát hiện, chúng tổ chức bao vây, chặn đường và theo dõi tàu 54. Trước nguy cơ bị lộ các bác đã tắt hết đèn, chuyển hướng con tàu nhằm đánh lạc hướng của quân địch. Sau khi cắt đuôi được đội tàu chiến của Hạm đội 7, tàu 54 chuyển hướng quay lại tìm bến, nhưng do thời tiết xấu, nên việc xác định vị trí con tàu gặp khó khăn. Đến 7 giờ sáng, tàu mới tìm được bến. Lúc này trời sáng rõ, con tàu phơi lưng ở vùng biển do địch kiểm soát. Tình huống đó rất có thể tàu sẽ bị lộ và xảy ra chiến đấu, nhưng rất may với cách ngụy trang tinh vi, tàu 54 đã qua được sự kiểm soát của quân địch và giao hàng cho bến an toàn.
Tuy nhiên, khi được lệnh rút ra Bắc, đoàn 54 lại gặp sự cố. Trong lúc đang dỡ ngụy trang và nhận một số hàng từ một thuyền máy của bến, bất ngờ thuyền máy bốc cháy, đạn nổ, địch phát hiện lập tức đưa trực thăng đến lùng sục. Tình thế cấp bách, Ban chỉ huy quyết định cho tàu nổ máy, nhanh chóng rời bến. Địch tổ chức bám theo nhằm bao vây, bắt sống thủy thủ đoàn. Nhưng bằng ý chí kiên cường, sự nhanh nhạy, thông minh, tàu 54 đã luồn qua được hải đội của địch, trốn được ra-đa, và ra đến vùng biển quốc tế, nhằm hướng đảo Hải Nam về Bắc. Quân địch mất mục tiêu ngay trước mũi, cay cú, lồng lộn lùng sục khắp nơi.
Tháng 12- 1971, bác Đồng Xuân Chế lại được điều về tàu 56 do bác Võ Hán làm thuyền trưởng, nhận lệnh chở 70 tấn vũ khí vào tiếp viện cho chiến trường Tây Nam. Chuyến đi này đã được vạch ra hai phương án: Tàu sẽ vào bến Cà Mau, nhưng nếu bến có động thì 56 sẽ chuyển hướng ra đảo Cô Công (Campuchia). Theo chỉ đạo đó, khi nhận được tin địch càn ở khu vực bến, tàu 56 đã chuyển hướng đi Cô Công. Khi tiếp cận đươc bến Cô Công, đánh tín hiệu nhận bến thì bến lại trả lời tín hiệu sai. Trong khi đó, chậm nhất là 3h sáng tàu phải rời bến, nếu không sẽ bị lộ. Tình thế căng thẳng, Ban chỉ huy tàu đã quyết định cử một tổ đặc công tập kích vào bến, bắt sống người đánh tín hiệu xuống tàu. Sau khi nhận được người của mình, tàu 56 đã được dẫn vào bến, gấp rút thả hàng. Theo lời kể của bác Đồng Xuân Chế, anh em tàu 56 đã chia đôi lực lượng, một nửa canh gác, sẵn sàng chiến đấu, 9 người còn lại trong vòng 3giờ đồng hồ phải thả xong 70 tấn hàng, trung bình mỗi người đã bốc gần 8 tấn vũ khí. Cán bộ, chiến sĩ tàu 56 đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ tưởng chừng như không thể đó bằng sức mạnh diệu kỳ và lại tiếp tục luồn qua hải quân địch, vượt sóng bão, trở về miền Bắc chuẩn bị cho những chuyến đi mới.
Tháng 5- 1972, với mục tiêu tiếp ứng vũ khi cho chiến trường Quảng Trị, bác Đồng Xuân Chế lại nhận lệnh thay quân trang, mặc đồ quân giải phóng, chỉ huy tàu 649 chở 70 tấn vũ khí vào Quảng Trị. Sau 3 lần tiếp cận bến không thành công do bị địch phát hiện, cuối cùng tàu 649 cũng giao được hàng cho bến, hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ Đoàn tàu Không số Anh hùng.
Giờ đây đã ở cái tuổi 85, tinh thần, khí chất của người lính hải quân vẫn toát lên trong ánh mắt, trong tiếng nói của người cựu binh già. Bác nói: “Chiến tranh đã đi qua, sống trong hòa bình, các cháu phải hiểu cái giá của chiến tranh. Xã hội có tồn tại, có phát triển được hay không phụ thuộc vào thế hệ trẻ các cháu. Phải tỉnh táo trước mọi âm mưu kích động, xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực phản động, phải kiên định và tin tưởng vào Đảng, vì hòa bình ngày hôm nay các cháu hưởng là do Đảng mang lại”.
Rời khỏi nhà bác vào buổi quá trưa, tôi mang theo sự ngưỡng mộ, khâm phục, kính trọng bác và những người đồng đội của bác- những con người đã làm nên huyền thoại. Đó là huyền thoại có thật ở của dân tộc việt Nam- đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu Không số Anh hùng.
Ngọc Lâm