Dự thảo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã bước vào giai đoạn hoàn thiện và đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan, bộ ngành và địa phương liên quan. Ngày 12/2/2025, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định về đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8 điều chỉnh).
Tại buổi họp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhấn mạnh ba mục tiêu chính của Quy hoạch điện 8 điều chỉnh: Đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải điện trong nước theo từng vùng miền; thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp; và mở rộng xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận.
![]() |
Dự thảo Quy hoạch điện 8 chỉnh sửa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng |
Dự thảo đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng nhu cầu điện: Phương án cơ sở với mức tăng 10,3% và phương án cao với mức tăng 12,5%, phù hợp với các dự báo kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống điện, Việt Nam cần huy động từ 30,7 đến 40 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2030, chủ yếu từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh dự báo nhu cầu điện là cần thiết và phù hợp với thực tiễn kinh tế. Với mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 8% năm 2025 và 10% trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, các kịch bản đề xuất trong Quy hoạch điện 8 phản ánh sát tình hình thực tế.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là sự điều chỉnh về quy mô phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, công suất điện mặt trời dự kiến tăng từ 18GW lên 34GW và điện gió từ 19,5GW lên 22GW. Ông Tuấn đánh giá đây là mục tiêu khả thi, song cũng nhấn mạnh thách thức lớn nhất hiện nay là quản lý hiệu quả hàng trăm nguồn điện nhỏ lẻ, đòi hỏi năng lực điều phối tốt hơn từ các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và đất đai.
Về điện khí LNG, dù Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã ban hành quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, nhiều dự án vẫn gặp khó khăn do thiếu hợp đồng mua bán điện hoàn chỉnh. Ông Tuấn đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy định về giá khí để thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm như điện khí Lô B và Nhơn Trạch.
Liên quan đến cơ chế giá điện, ông Ngô Tuấn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, đề xuất loại bỏ mô hình hợp đồng mua bán điện cố định, thay vào đó chuyển sang cơ chế thị trường linh hoạt hơn để phù hợp với tình hình mới. Theo ông, đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.