Ngày 8/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện Dự thảo nghị định thay thế dựa trên Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã trình Chính phủ và bổ sung 11 nội dung mới để phù hợp với thực tiễn quản lý, không phát sinh thêm chính sách mới.
Dự thảo có những thay đổi lớn về các chính sách: quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, cấp phép thiết lập mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng, cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động; quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới, tăng cường triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet… với các quy định cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng và nhiều quy định quan trọng khác.
Việt Nam là nước có độ phủ Internet cao với khoảng 70% triệu người sử dụng, chiếm 70% dân số. Hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống và kinh doanh.
Dù vậy, Internet cũng rất dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát. Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quản lý như thế nào và vấn đề rất quan trọng. Bởi nếu quản ký không khéo hoặc quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm được yêu thích, có khả năng xuất khẩu.
“Việc cân bằng nội dung mà vẫn đảm bảo cho phát triển công nghiệp nội dung số là thách thức cho cơ quan quản lý. Với các quy định hiện tại, doanh nghiệp trong nước lo ngại nếu sửa đổi Nghị định 72 dẫn tới tình trạng bảo hộ ngược và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Việc soạn thảo Dự thảo Nghị định cần tính đến yếu tố này cần nghiên cứu, đanh giá sâu sắc và toàn diện hơn”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay.
Về dự thảo Nghị định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng nhận xét, có 4 điểm đáng chú ý: về giấy phép khi đưa ứng dụng lên kho ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (Điều 26.3.i); khóa tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật (Điều 26.5.b và Điều 38.6); về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội Điều 30.2.a và Điều 38.10; ngừng cung cấp dịch vụ internet với người dùng vi phạm điều 83.3.b.
Mong chờ Nghị định thay thế khi được thông qua sẽ đi vào đời sống với tính khả thi trong những năm tới, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đề nghị, tổ soạn thảo nghiên cứu lại các thuật ngữ như kinh tế số, xã hội số… để bảo đảm tính đồng nhất; gom các yếu tố là nội dung, nền tảng để có diễn giải đồng bộ, thống nhất…
Nhiều đại biểu dự hội thảo góp ý về quy định thu thập và lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng; định danh người dùng; phân biệt thông tin cá nhân và dữ liệu cá nhân, giám sát thông tin trên mạng; việc ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật…
Dự thảo Nghị định thay thế dự kiến được trình Chính phủ trong tháng 10.2023.
Góp ý về quy định Bộ TTTT đề xuất, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, việc chặn nội dung không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng Internet mở toàn cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu tạm khóa và khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cũng đã góp ý đối với những điểm mới liên quan đến các nghĩa vụ mới đối với doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam; giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp; ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông; báo cáo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử chậm nhất là 24 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dùng…
Giới doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều nội dung chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó thực thi, gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam; có những nội dung quy định chưa tương thích với quy định tại một số luật hiện hành...
Ghi nhận ý kiến góp ý, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị định căn cứ vào thực tế và ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo quyền lợi người sử dụng, hiệu quả quản lý và lợi ích doanh nghiệp. Ban soạn thảo khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định, bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Thanh Hiền (t/h)