Thứ hai 25/11/2024 11:35
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Dự thảo “Made in VietNam”- Công cụ đấu tranh phòng chống gian lận thương mại

12/10/2020 00:00
Với Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh

Làm rõ hơn sự cần thiết phải ban hành Thông tư, sau đó là về nội dung của Thông tư và về các tác động có thể của Thông tư đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cùng đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ trong buổi trao đổi với báo chí để giải thích và làm rõ hơn nội dung của Dự thảo Thông tư.

Dưới đây là nội dung trao đổi giữa đại diện Bộ Công Thương và các phóng viên, nhà báo về Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam:

Vì sao tới bây giờ Bộ Công Thương mới đưa ra quy định về cách xác định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam?

Trên thực tế, theo đúng chức năng và phạm vi quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy định như thế nào thì một sản phẩm/hàng hóa được coi là sản phẩm/hàng hóa của Việt Nam, hay nói cách khác là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa của ta được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào các thị trường ngoài hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, không phải của Bộ Công Thương.

Những quy định chính trong dự thảo Thông tư là gì?

Dự thảo Thông tư bao gồm một số nội dung chính như sau:

- Các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong Thông tư;

- Các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, cách thức và ngôn ngữ thể hiện;

- Các trường hợp, tiêu chí để hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam;

- Các quy định khác liên quan đến việc xác định hàng hóa của Việt Nam (gia công đơn giản, bao bì phụ kiện, tỷ lệ linh hoạt, yếu tố gián tiếp);

- Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện.

Trường hợp nào thì hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam?

Hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp sau:

- Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư.

- Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của Thông tư.

Tại sao trong ASEAN hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ mà tại Thông tư này, chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam?

Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định chặt hơn. Cụ thể, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại Thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.

Với quy định như tại dự thảo Thông tư, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam?

Không nhất thiết. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 10 của dự thảo Thông tư.

Tại phụ lục các danh mục hàng hóa kèm theo dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương liệt kê các mặt hàng, trong đó hầu hết phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% (một số ít sản phẩm 40%). Như vậy ngoài việc phải đảm bảo công đoạn cuối cùng không phải là công đoạn đơn giản, thì đây là tỷ lệ tối thiểu giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm nếu muốn được công nhận, dán mác hàng sản xuất tại Việt Nam?

Đối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định "hàng hóa của Việt Nam" là VAC 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Thông tư có đặt ra thủ tục hành chính nào buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hay không?

Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà doanh nghiệp phải tuân thủ.

Thực hiện quy định của Thông tư có làm doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí gì không?

Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Doanh nghiệp lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" không biết có đảm bảo chính xác không. Bộ Công Thương có tính đến khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận để họ yên tâm?

Ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế "đánh giá - công nhận" sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Thông tư này, nếu được ban hành, sẽ do doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, thí dụ như vụ Khaisilk trước đây.

Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn “Made in Viet Nam” hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam" sẽ được ứng xử ra sao?

Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ.

Dự thảo Thông tư mới đưa ra các tiêu chí xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam. Tại sao không đề cập đến các khái niệm như "Lắp ráp tại Việt Nam", hay "Sản xuất bởi [công ty nào đó]", hay "Thiết kế tại Việt Nam", hay "Thiết kế bởi [công ty nào đó]"? Một sản phẩm không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa Việt Nam sẽ ghi xuất xứ của nước nào nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau?

Ban soạn thảo đã dự thảo 1 điều khoản đề cập đến các khái niệm này để giúp doanh nghiệp có thêm các hình thức thể hiện trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng được các tiêu chí để được coi là hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, do Điều 15 của Nghị định 43/2017 không cho phép doanh nghiệp được sử dụng các cụm từ này, Thông tư lại là văn bản dưới cấp Nghị định nên Ban soạn thảo đã phải bỏ điều khoản này ra. Cho tới nay, chúng tôi cũng chưa rõ Bộ Tư pháp có chấp nhận Điều 4 của dự thảo Thông tư hay không bởi Điều này đưa ra các quy định rộng hơn so với Điều 15 của Nghị định 43/2017.

Vấn đề hình thức văn bản là một trong những vấn đề gây tranh luận trong quá trình trao đổi về sự cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật giúp xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam. Ban soạn thảo nhận thấy nên ban hành ở cấp Nghị định nhưng một số cơ quan khác lại không cho là như vậy. Họ không sai bởi Nghị định chỉ dùng để hướng dẫn luật trong khi chúng ta lại chưa có luật về thế nào là hàng hóa của Việt Nam. Nếu ban hành Nghị định thì sẽ là một Nghị định "không đầu", điều không được luật pháp hiện hành cho phép.

Xuất phát từ đây, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định 43/2017, tức là tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam.

Các trường hợp vi phạm quy định của Thông tư sẽ áp dụng chế tài như thế nào?

Theo quy định tại Dự thảo, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi Thông tư này. Trường hợp phát hiện vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương sẽ làm gì để doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan quản lý liên quan hiểu được mục tiêu của Bộ Công Thương cũng như các quy định của Thông tư này?

Việc đăng tải Dự thảo Thông tư là bước đầu tiên. Sau đó Bộ Công Thương sẽ tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu dự thảo và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định tại dự thảo.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để giải thích, làm rõ về mục tiêu ban hành Thông tư cũng như những nội dung mang tính kỹ thuật để doanh nghiệp, người dân có thể hiểu và góp ý được sát thực nhất.

Thu Giang – Thảo Trang (lược ghi)

Tin bài khác
Đề xuất hỗ trợ tài chính các dự án BOT giao thông gặp khó khăn

Đề xuất hỗ trợ tài chính các dự án BOT giao thông gặp khó khăn

Chính phủ đang cân nhắc bổ sung quy định về sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ các dự án BOT giao thông gặp khó khăn tài chính để tiếp tục triển khai hợp đồng.
Thanh Hoá: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, động lực của chuyển đổi số

Thanh Hoá: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, động lực của chuyển đổi số

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa" diễn ra vừa qua, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết cho biết, tỉnh luôn đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.
Tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup hợp tác chuyển đổi xanh

Tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup hợp tác chuyển đổi xanh

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh  Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội lớn để phát triển kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội lớn để phát triển kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông, khẳng định chuyển đổi xanh là cơ hội quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật quản lý vốn Nhà nước: Cải cách và tăng cường hiệu quả kinh tế

Dự thảo Luật quản lý vốn Nhà nước: Cải cách và tăng cường hiệu quả kinh tế

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kỳ vọng tạo hành lang pháp lý ổn định, thúc đẩy hiệu quả quản lý và tối ưu hóa nguồn lực Nhà nước.
5 vấn đề cần thực hiện để vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon

5 vấn đề cần thực hiện để vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon

Thực hiện phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào của mỗi người, đi đầu phải là các doanh nghiệp, người dân.
Tăng thuế xe ô tô Pick-up: Cần phải lắng nghe y kiến người dân

Tăng thuế xe ô tô Pick-up: Cần phải lắng nghe y kiến người dân

Đề xuất tăng thuế đối với xe ô tô pick-up đang gây tranh cãi. Nhiều đại biểu cho rằng, quyết định này có thể ảnh hưởng đến người lao động, doanh nghiệp và thị trường ô tô trong nước.
Luật Thuế TNDN (sửa đổi): Đề nghị miễn thuế 2 năm cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Luật Thuế TNDN (sửa đổi): Đề nghị miễn thuế 2 năm cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Một nội dung hoàn toàn mới trong dự thảo luật là miễn thuế 2 năm cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường?

Sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường?

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đưa nước giải khát có đường vào danh mục chịu thuế 10%.
Khai trương Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Khai trương Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025

Ngày 21/11/2024, UBND TP. Hải Phòng tổ chức khai trương Dự án chính quyền số - một trong những dự án quan trọng nhất, làm nền tảng thúc đột phá phát triển kinh tế số, xã hội số.
Kinh tế số Việt Nam là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Kinh tế số Việt Nam là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững” tổ chức ngày 21/11 tại Hà Nội.
Chủ tịch VINASME: Hợp tác Việt – Hàn tạo nền tảng bền vững cho doanh nghiệp

Chủ tịch VINASME: Hợp tác Việt – Hàn tạo nền tảng bền vững cho doanh nghiệp

Theo TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME, cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tại Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc 2024 kỳ vọng mở ra nền tảng kết nối lâu dài và bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Hàn Quốc – Đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Hàn Quốc – Đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Hàn Quốc là đối tác kinh tế chiến lược của Việt Nam, với các cam kết hợp tác bền vững trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 2024: Đẩy mạnh hợp tác bền vững

Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 2024: Đẩy mạnh hợp tác bền vững

Diễn đàn Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 2024 với chủ đề “Niềm tin và hợp tác” tạo cơ hội quan trọng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước phát triển bền vững, mở rộng thị trường và gia tăng hợp tác đầu tư.
PGS. TS Hồ Sỹ Giao: Nên xem xét tái khởi động Dự án Khai thác và tyển quặng mỏ sắt Thạch Khê

PGS. TS Hồ Sỹ Giao: Nên xem xét tái khởi động Dự án Khai thác và tyển quặng mỏ sắt Thạch Khê

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Hồ Sỹ Giao- Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cho biết, xét theo góc độ công nghệ - môi trường và thủ tục pháp lý, việc tái khởi động Dự án Khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là đủ điều kiện.