Cụ thể, 9 nhóm hành vi gây lãng phí được đề xuất trong dự thảo bao gồm:
Hành vi gây lãng phí trong xây dựng, ban hành thể chế liên quan đến các lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí;
Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, quản lý nợ công;
Hành vi gây lãng phí trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng tài sản công, bao gồm cả nhà ở thuộc tài sản công;
Hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng;
Hành vi gây lãng phí trong quản lý và sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước;
Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;
Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP);
Các hành vi gây lãng phí khác do Chính phủ quy định cụ thể.
Việc bổ sung các nhóm hành vi này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý tài chính công, tài sản công và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia.
![]() |
Dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Đề xuất bổ sung 9 nhóm hành vi gây lãng phí |
Bên cạnh việc xác định hành vi gây lãng phí, dự thảo luật cũng liệt kê cụ thể 9 nhóm hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí. Các hành vi này gồm:
Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công gây lãng phí;
Vi phạm trong ban hành chương trình tiết kiệm, chống lãng phí;
Vi phạm trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu về tiết kiệm, chống lãng phí;
Vi phạm trong báo cáo kết quả thực hiện công tác tiết kiệm, chống lãng phí;
Vi phạm trong công khai thông tin về tiết kiệm, chống lãng phí;
Vi phạm trong việc lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trước khi quyết định các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, tổ chức;
Vi phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí;
Vi phạm trong xử lý khiếu nại, tố cáo, cũng như xử lý người vi phạm pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí;
Vi phạm trong việc bảo vệ người đấu tranh chống lãng phí và người thân của họ.
Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định chi tiết các hành vi vi phạm nói trên, nhằm tăng tính khả thi và hiệu quả thực thi luật.
Việc bổ sung và làm rõ các hành vi gây lãng phí và vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí là một bước đi quan trọng trong hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực công. Đây cũng là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền tài chính công và thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình trong khu vực công.
Dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) hiện đang được công khai để lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và người dân trước khi trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.