Dự luật kiếm soát TikTok của Hoa Kỳ: Những điều cần biết

08:05 18/03/2024

Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép cấm hoàn toàn nền tảng mạng xã hội TikTok tại quốc gia này nếu ByteDance không nhượng lại nền tảng này trong vòng 180 ngày. Đây là một vấn đề nóng trong mối quan hệ đang căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 13/3 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật tạm được dịch là Đạo luật Bảo vệ Công dân Hoa Kỳ khỏi Các ứng dụng do nước ngoài kiểm soát (Foreign Adversary Controlled Applications Act) và đã đạt được 352 phiếu đồng thuận trước 65 phiếu chống - tức đạt được sự đồng thuận của hơn ¾ số đại biểu Hạ viện.  Đạo luật trên đặc biệt nhắm vào TikTok, tuy nhiên nó cũng có thể được mở rộng để hướng đến các ứng dụng khác được tạo ra và sở hữu bởi các quốc gia được coi là đối địch với Hoa Kỳ - như Iran, Liên bang Nga, Triều Tiên và Trung Quốc.

Đạo luật đưa ra hai phương án: Công ty ByteDance - công ty Trung Quốc hiện đang sở hữu TikTok phải bán lại nền tảng này cho các doanh nghiệp khác tại Mỹ trong vòng 180 ngày, hoặc TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn tại quốc gia này. Điều này đồng nghĩa với việc khi lệnh cấm có hiệu lực, mọi hoạt động hỗ trợ vận hành TikTok của các cửa hàng ứng dụng và các máy chủ tại Hoa Kỳ sẽ trở thành hành vi bất hợp pháp.

“Đây là lời nhắn gửi của tôi đến TikTok: Cắt đứt mọi quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc mất đi quyền tiếp cận người dùng ờ Mỹ.” - Một trong những người tài trợ và ủng hộ dự luật, nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa Mike Gallagher phát biểu.

Những nhà làm luật phản đối dự luật này bao gồm những người ủng hộ ông Donald Trump, các nhà hoạt động ủng hộ sự tiến bộ như Alexandria Ocasio-Cortez và những người ủng hộ tự do. Một trong những nhân vật nổi bật nhất ở đây, ông Jim Himes - một thành viên thuộc Đảng Dân chủ đồng thời là thành viên của Ủy ban Chọn lọc về Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ - cho rằng nếu nói đến những mối nguy hại trên không gian mạng thì ông là người có cái nhìn rõ hơn ai hết. Tuy nhiên, ông vẫn phản đối dự luật này vì cho rằng một trong những nét đặc trưng của Hoa Kỳ là tôn trọng tự do ngôn luận.

 Để chính thức được trở thành luật áp dụng, Đạo luật này vẫn cần phải được thông qua bởi Thượng viện. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều văn bản pháp luật chỉ mới được một viện thông qua vẫn được thực thi tại Mỹ. Một vài trong số đó có thể kể đến các đạo luật về kiểm soát súng đạn, biến đổi khí hậu, nhập cảnh và mới đây nhất là đạo luật về viện trợ cho Ukraine.

Hiện tại Thượng viện Hoa Kỳ chưa đưa ra cam kết nào về việc sẽ thông qua dự luật này.

Cần lưu ý rằng Thượng viện đã thông qua một đạo luật riêng về mạng xã hội áp dụng trên tất cả các nền tảng lớn, bắt buộc các nền tảng này phải điều chỉnh lại theo quy định của họ. Đạo luật về Đảm bảo An toàn cho Trẻ em Trực tuyến (Kids Online Safety Act) của Thượng viện không chỉ nhắm vào mỗi TikTok. Các quy định này yêu cầu mọi nền tảng đều phải thêm các điều khoản đảm bảo nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực mạng, các hình ảnh khiêu dâm và những nội dung liên quan đến tự sát; cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận các thuật toán; cho phép các phụ huynh kiểm soát quyền truy cập của trẻ và tiến hành báo cáo thường nên về những rủi ro và nguy hại diễn ra trên nền tảng đó.

Hiện tại, dù là Đạo luật về Đảm bảo An toàn cho trẻ em Trực tuyến hay Đạo luật Bảo vệ Công dân Hoa Kỳ khỏi Các ứng dụng do nước ngoài kiểm soát thì đều cần phải có chữ ký chấp thuận của Tổng thống Joe Biden sau khi đã được cả hai viện phê chuẩn. Trước đó, ông Joe Biden đã bày tỏ quan điểm rằng ông sẽ ký Đạo luật nhắm trực tiếp vào TikTok.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã giới hạn các ứng dụng của phương Tây từ lâu. Đa phần các nền tảng, kể cả các trang thông tin, đều bị chặn truy cập bởi Tường Lửa Vĩ Đại (thuộc dự án kiểm duyệt Internet của quốc gia này).

Những lo ngại về TikTok

Giới chức Mỹ cho rằng những dữ liệu của TikTok vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc, dù trên thực tế máy chủ của nền tảng này được đặt ở một nước thứ ba. Theo luật pháp của Trung Quốc, công ty chủ quản là ByteDance phải tuân theo các quy định của chính quyền trung ương nước này; đồng thời những người này cho rằng một bộ phận nhân viên thuộc ByteDance là người của Chính phủ Trung Quốc và Đảng cầm quyền khi những đoạn thu âm bị rò rỉ từ các cuộc họp trong nội bộ công ty thể hiện rằng dữ liệu người dùng được truy cập liên tục từ Trung Quốc.

Các cơ quan hành pháp của Mỹ cũng đã liên tục tiến hành điều tra và báo cáo sau khi phía công ty này xác nhận họ đã giám sát và theo dõi dữ liệu cũng như vị trí của các nhà báo Mỹ. Sau sự việc này, nhiều lãnh đạo của ByteDance đã từ chức và bị đuổi việc.

Báo cáo thường niên mới nhất của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đã chỉ ra phía Trung Quốc đã sử dụng các tài khoản TikTok để có những định hướng, tuyên truyền nhắm vào những ứng viên của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2022 của Hoa Kỳ. Phía công ty chủ quản của ứng dụng này tiếp tục khiến các chính trị gia phẫn nộ, khi khuyến khích hơn mười triệu người đang sử dụng nền tảng liên tục gửi đơn phản đối việc cấm TikTok đến các đại biểu quốc hội.

“Và đó mới chỉ là khởi đầu thôi. Hãy thử tưởng tượng nếu Trung Quốc muốn sử dụng nó với mục đích xấu hơn xem? Hãy nghĩ xem sẽ ra sao nếu họ thật sự muốn chơi trò tâm lý chiến với người Mỹ” - Dan Crenshaw, một thành viên Đảng Cộng hòa quan ngại.

“Đây cũng là điều khiến chúng tôi lo ngại. Không phải bởi vì chúng tôi đã có tuổi, khó tính và không hiểu được TikTok”.

Một tin nhắn kêu gọi người sử dụng TikTok liên hệ với các đại biểu nhằm ngăn chặn lệnh cấm nền tảng này. Ảnh: CBC
Một tin nhắn kêu gọi người sử dụng TikTok liên hệ với các đại biểu nhằm ngăn chặn lệnh cấm nền tảng này. Ảnh: CBC.

Nhiều nhà lập pháp của Mỹ đã bị “khủng bố” bởi vô số các tin nhắn và cuộc gọi vào đầu tháng này sau khi TikTok gửi tin nhắn trên cho những người sử dụng tại Mỹ. Một bộ phận không nhỏ các nhà lập pháp cho biết họ rất tức giận, cho rằng đây là hành động không trung thực và là căn cứ để chứng tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng của một công ty nước ngoài tại Mỹ là có cơ sở - Tờ CBC của Canada đưa tin.

Phía công ty chủ quản của TikTok cho biết họ là công ty tư nhân và đã tiêu tốn hơn một tỷ đô-la Mỹ để hợp tác với Oracle, một công ty công nghệ của Hoa Kỳ, để lưu trữ dữ liệu ở Texas.

Liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên nền tảng số, Golin cho biết tất cả các mạng xã hội lớn đều không vô can. Như Facebook đã từng bị dính nhiều cáo buộc, trong đó có cáo buộc về việc sử dụng bộ lọc (filter) giúp người dùng Facebook chỉnh sửa hình ảnh bản thân trên Instagram/Facebook khi đăng ảnh hoặc livestream sẽ gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các bé gái mới lớn. Cụ thể, thay vì khuyến khích vẻ đẹp tự nhiên và đa dạng từ các em, các bộ lọc này khuyến khích phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi màu da và giảm cân nhanh một cách bất thường.

Golin đã từng nghe những lời đồn về việc TikTok gây nghiện, và trên thực tế cũng không quá khó để kiểm chứng điều này.

TikTok bị cáo buộc sử dụng cách thức “khen thưởng từ từ” để giữ cho người sử dụng khó lòng thoát khỏi ứng dụng. Các thuật toán có thể nhận ra được người dùng muốn xem những nội dung nào nhưng không khiến họ xem một mạch mà phân tán chúng ra, khuyên khích người dùng xem ngày càng nhiều nội dung mà không biết chán.

“Tất cả các nền tảng đều sử dụng cùng một cách thức, câu hỏi đặt ra là bên nào vận dụng được chúng khéo léo hơn thôi”, Golin nói. “Trong trường hợp này, TikTok có vẻ "xảo quyệt" hơn và đã thành công”. “Những người dùng thường nhận xét, đại loại là: Tôi thậm chí còn chẳng biết mình muốn xem nội dung đấy cho đến khi TikTok gửi chúng cho tôi. Và khi tôi ngừng xem thì đã là ba tiếng đồng hồ sau đó”.

Hạ Vũ