Dự kiến lộ trình 07 đợt nhập vắc-xin ngừa Covid-19 về Việt Nam

07:08 25/02/2021

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo Thường trực Chính phủ về lộ trình của 07 đợt cung ứng vắc-xin và dự kiến đối tượng tiêm từng đợt.

Liên quan đến lộ trình nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện Việt Nam đã và đang tiếp tục đàm phán với 4 nước, gồm: Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tất cả các phía đều yêu cầu Việt Nam ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đến nay, đã có một số thông tin được công khai. Với Anh, Việt Nam đàm phán mua vắc-xin AstraZeneca; với Mỹ, Việt Nam đàm phán mua vắc-xin Pfizer; với Nga đàm phán mua vắc-xin Sputnik V...

Hình ảnh của lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên về Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Hình ảnh của lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên về Việt Nam tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thông tin về lộ trình của 07 đợt cung ứng vắc-xin và dự kiến đối tượng tiêm từng đợt cụ thể như sau: Đợt 1 có 117.000 liều vắc-xin được mua của AstraZeneca trong tháng 2.

Đối tượng được tiêm những liều vắc-xin này là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, bao gồm: Bác sỹ điều trị, nhân viên xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp, người làm việc ở khu cách ly, truy vết, điều tra dịch tễ, tình nguyện viên, phóng viên…).

Đợt 2 dự kiến nhập 1,5 triệu liều vào quý I-II/2021. Trong đó, vắc-xin do COVAX Facility cung ứng khoảng 1,2 triệu liều; AstraZeneca cung cấp khoảng 363.000 liều.

Đối tượng được tiêm là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội.

Đợt 3 dự kiến mua 8,2 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca trong quý II/2021. Đối tượng sẽ được tiêm là lực lượng quân đội chưa sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 đợt 2; lực lượng công an, giáo viên các cấp và người trên 80 tuổi.

Đợt 4 dự kiến về 10,9 triệu liều, trong đó vắc-xin do COVAX Facility cung ứng khoảng 3,6 triệu liều; vắc-xin mua của AstraZeneca khoảng 7,32 triệu liều. Đợt vắc-xin này dự kiến về nước trong quý III/2021.

Đối tượng được tiêm là người trên 80 tuổi chưa sử dụng vắc-xin đợt 3; nhóm cung ứng dịch vụ thiết yếu; những người mắc bệnh mạn tính.

Đợt 5 với khoảng 14,4 triệu liều dự kiến về Việt Nam trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022 với nguồn mua của AstraZeneca. Trong đợt này, những người mắc bệnh mạn tính chưa sử dụng vắc-xin đợt 4 sẽ được tiêm.

Đợt 6 có khoảng 25,2 triệu liều vắc-xin do COVAX Facility cung ứng, dự kiến về nước trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022. Đối tượng được tiêm là những người mắc bệnh mạn tính chưa sử dụng vắc xin đợt 3, 4, 5; người từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi.

Đợt 7 dự kiến nhập số vắc-xin lớn nhất với khoảng 90,5 triệu liều. Lần này, vắc xin có từ nguồn mua nước ngoài và sản xuất trong nước. Thời gian dự kiến trong quý IV/2021 - quý II/2022.

Công dân từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa sử dụng vắc-xin đợt 6 và người trên 18 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên sẽ được tiêm trong đợt này.

Tiến hành khử khuẩn và làm các thủ tục tiếp nhận vắc-xin treo đúng quy định

Tiến hành khử khuẩn và làm các thủ tục tiếp nhận vắc-xin treo đúng quy định.

Liên quan tới vấn đề cung ứng vắc xin cho người dân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp đủ 90 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam trong năm 2021.

Ông cũng cho biết, chúng ta đang có 4 nguồn cung ứng vắc-xin ngừa Covid-19, gồm: Nguồn của COVAX Facility: Chương trình COVAX cam kết sẽ viện trợ cho Việt Nam 30 triệu liều.

Nguồn của AstraZeneca: Ngày 23/2 vừa qua, Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối với AstraZeneca và Công ty VNVC. Lô 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca được Bộ Y tế mua thông qua công ty VNVC.

Trong ngày 24 và 25/2, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vắc xin với cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vắc-xin.

Nguồn của Pfizer: Bộ Y tế đang đàm phán với công ty này. Khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Hiện Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắc-xin này.

Nguồn của Nga (Spunik V): Bộ Y tế đang tích cực đàm phán về sản phẩm vắc-xin Spunik V. Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn và công ty không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với một số nhà sản xuất vắc-xin khác trên thế giới.

Lúc 11h trưa 24/2, lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đại diện Chính phủ và Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu: “Lô vắc xin đầu tiên về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định cần thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng".

Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi trân trọng biết ơn chiến lược tiếp cận vắc-xin chủ động và sự tin tưởng của Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho lô vắc-xin ngừa Covid-19 có thể sớm có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi cũng cảm ơn VNVC đã chủ động và chấp nhận cả những rủi ro khi tiến hàng đặt hàng rất sớm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca để hôm nay chúng ta có vắc-xin cho người dân Việt Nam, đúng theo mục tiêu tiêm vắc-xin phòng bệnh cho người dân toàn thế giới một cách bình đẳng mà AstraZeneca theo đuổi".

Theo hướng dẫn, những liều vắc-xin đầu tiên này sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Công ty Cổ phần vắc-xin Việt Nam và Bộ Y tế để bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. 

Trần Linh