Khẩn trương hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị
Mới đây, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 502 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu bám sát kết luận của Bộ Chính trị, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án. Trong đó cần lưu ý làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao bao gồm cả phương án huy động vốn. Đưa ra các số liệu, dữ liệu kinh tế, kỹ thuật, khoa học để phân tích đầy đủ, rõ nét hơn tác động của đường sắt tốc độ cao đến tổng thể nền kinh tế - xã hội: giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng hiệu quả nền kinh tế; tác động lan tỏa, phát triển đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy phát triển du lịch... Trên cơ sở tính tương hỗ giữa các phương thức vận tải để nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Về kịch bản phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng, cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Gắn với kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục "xương sống".
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.
Trong văn bản góp ý kiến về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông vận tải hồi cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án đã thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3.
Bộ Xây dựng thống nhất xây mới đường sắt Bắc - Nam theo kịch bản đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350 km/h.
Tổng vốn đầu tư dự án theo kịch bản 3 khoảng 68,98 tỷ USD. Trong trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
Với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.
Dự án cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ngoài kịch bản 3, hai kịch bản còn lại đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Theo đó, kịch bản 1 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục, khai thác riêng tàu khách. Đồng thời nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h.
Vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ kết nối các thành phố lớn và địa phương khác nhau trên cả nước. Việc có một hệ thống giao thông hiện đại và tiện lợi như đường sắt tốc độ cao sẽ giúp tăng cường kết nối giữa các vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ và người dân giữa các thành phố, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch.
Theo giới chuyên gia, một hệ thống đường sắt tốc độ cao kết nối là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Việc có một phương tiện giao thông hiệu quả và tiện lợi giữa các khu vực kinh tế sẽ tạo ra sự thuận lợi cho việc di chuyển nguồn vốn, nguồn nhân lực và công nghệ. Nó cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics, du lịch và bất động sản. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ tạo ra sự kích thích cho hoạt động kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, Việt Nam nên lấy đường sắt là cốt lõi chứ không thể lấy đường bộ như hiện nay. Do đó, việc phát triển đường sắt trong tương lai là hết sức cần thiết, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang nhận được quan tâm của dư luận như hiện nay.
Theo ông Thủy, đường sắt có chi phí vận tải thấp nhất, chỉ kém so với đường thủy và rẻ hơn gấp 3 lần so với đường bộ. Bên cạnh đó, đường sắt cũng giúp bảo đảm an toàn giao thông tốt hơn, thậm chí đảm bảo an toàn hơn gấp 7-8 lần so với đường bộ. “Vì vậy, việc đầu đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho đất nước”, TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế và tăng số lượng xe cộ, giao thông đường bộ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng tại nhiều thành phố lớn. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông đường bộ bằng cách cung cấp một phương tiện giao thông công cộng an toàn, hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Điều này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp nâng cao khả năng giao thương quốc tế của Việt Nam. Việc kết nối với các thành phố lớn và khu vực kinh tế khác trên thế giới thông qua hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra cơ hội mới cho xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này không chỉ giúp nâng cao doanh thu xuất khẩu và tạo ra việc làm cho người dân, mà còn thúc đẩy sự hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Như vậy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Từ việc tăng cường kết nối vùng, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế, giảm tải áp lực giao thông đường bộ cho đến giao thương quốc tế, dự án này mang lại nhiều lợi ích và ý nghĩa cho sự phát triển bền vững của đất nước. Hiện dự án đang được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, khi hoàn thành sẽ tạo ra một hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao hiện đại và tiện lợi, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn thịnh và phát triển.
Nghệ Nhân