Ngày 3/4, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo một số cơ sở có buổi làm việc với lãnh đạo cũng như chuyên gia của các Tổ chức Livelihoods Funds và Tổ chức Rikolto International. Trong đó, Tổ chức Rikolto International là đơn vị viện trợ cho Đồng Tháp thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ” tại Đồng Tháp trong 2 giai đoạn 2018 – 2021 và 2022 – 2026.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực tại Đồng Tháp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường thông qua giảm tiêu thụ nước, phát thải khí nhà kính. Nhân dịp này, ông Nguyễn Phước Thiện gửi lời cảm ơn đến đơn vị viện trợ.
Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Mê kông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, tỉnh xác định phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững theo hướng “thuận thiên”, xây dựng nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, đem lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp mong muốn Tổ chức Rikolto International và Livelihoods Funds tiếp tục hợp tác, hỗ trợ cho tỉnh thực hiện mục tiêu này.
Đại diện Tổ chức Rikolto International đề xuất với lãnh đạo tỉnh về Dự án lúa phát thải carbon thấp tại Đồng Tháp. Trong đó, sẽ mở rộng quy mô và tăng cường chương trình lúa gạo bền vững của Rikolto với nông nghiệp tái tạo, với mục tiêu có 15.000 ha lúa SRP (áp dụng đúng và đầy đủ phương pháp ngập khô xen kẽ) trong vòng 5 năm với 30 Hợp tác xã và 10.000 nông dân.
Đồng thời thí điểm 1.500 ha nông nghiệp tái tạo trong trồng lúa bằng việc áp dụng các phương pháp như: Không làm đất, gieo hạt trực tiếp, trồng các loại cây họ đậu che phủ và các biện pháp khác để cải thiện “sức khỏe” của đất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và 2 tổ chức cũng trao đổi về các tiêu chuẩn sản xuất lúa giảm phát thải: SRP, 1 phải 5 giảm; liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa đạt chuẩn để nông dân an tâm sản xuất; cơ chế hỗ trợ trang thiết bị, máy móc; quy định về chứng nhận carbon đối với nhà đầu tư…
P.L