Vè kết quả PCI năm 2023, ông Trương Hoà Châu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng điểm PCI của tỉnh Đồng Tháp là 69,66 điểm. Với kết quả này, Đồng Tháp đứng thứ 5 cả nước và là tỉnh duy nhất 16 năm liền nằm trong top 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Mặc dù Chỉ số PCI của tỉnh Đồng Tháp giảm điểm so với năm 2022, nhưng nhiều chỉ số thành phần lại tăng. Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,50 điểm (tăng 0,32 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 7,28 điểm (tăng 0,18 điểm); chỉ số chi phí thời gian đạt 8,39 điểm (tăng 0,28 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,72 điểm (tăng 0,39 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,21 điểm (tăng 0,71 điểm); và chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 8,31 điểm (tăng 0,35 điểm).
Theo đó, về Chỉ số PGI năm 2023, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 18 cả nước. Các chỉ số tăng điểm bao gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai từ 3,55 lên 7,71 điểm; đảm bảo tuân thủ từ 4,96 lên 5,80 điểm; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh từ 3,88 lên 4,13 điểm; chính sách khuyến khích hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 1,98 lên 5,10 điểm.
Tỉnh đặt mục tiêu điểm số PCI năm 2024 đạt từ 71 điểm trở lên và duy trì trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Đồng thời, tỉnh phấn đấu điểm số PGI đạt từ 25,75 điểm trở lên. Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công; nâng cao chất lượng và thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị đồng bộ (hệ thống mạng và phần mềm); đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và tiếp tục thực hiện mô hình một cửa - một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu; tiếp tục duy trì mô hình “Cà phê doanh nghiệp”; tổ chức đối thoại công khai, đa dạng dưới nhiều hình thức, định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp và báo chí nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các cấp, các ngành cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, qua 16 năm thực hiện chỉ số PCI, các đơn vị đã có sự nắm bắt, nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu trong triển khai thực hiện và đề nghị các đơn vị bắt tay vào triển khai thực hiện ngay kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và PGI năm 2024.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khuyến nghị tại hội nghị, nhanh chóng hoàn chỉnh Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và PGI trình Uỷ ban nhân dân tỉnh; đồng thời, đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, linh hoạt, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; bám sát các nội dung, chỉ số thành phần PCI, PGI để tiến hành rà soát, khắc phục ngay các chỉ số đạt thấp, các chỉ tiêu thiếu tích cực; giải quyết thấu đáo các vấn đề của doanh nghiệp,...
Nhân dịp này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cải thiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2023.
Ngọc Thư (Theo ĐTO)