Đây là vắc xin do Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất và được mua từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đợt này hầu hết các địa phương có dịch cùng nhận vắc xin, nhiều nhất là Bình Dương và An Giang, mỗi tỉnh nhận 1 triệu liều. Đồng Tháp được phân bổ 500.000 liều vắc xin Vero Cell (đợt 43, Đồng Tháp được phân bổ 200.000 liều).
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vắc xin được phân bổ, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, lưu ý ưu tiên trả mũi 2 và bố trí tiêm đủ 2 mũi với số vắc xin còn lại, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kế hoạch phân bổ gần 01 triệu liều vắc xin Pfizer cho 13 địa phương, 18 bệnh viện, viện thuộc trung ương, các đơn vị, ngành trong cả nước. Đây là đợt phân bổ vắc xin thứ 55 tại Việt Nam.
Theo thông tin ghi nhận, Vaccine Vero Cell (Sinopharm) đang được sử dụng tại 65 quốc gia trên thế giới và là một trong những vaccine nằm trong chương trình Covax Facility của Tổ chức Y tế Thế giới. Với hiệu lực bảo vệ lên đến 79% nếu tiêm đủ 2 mũi, các chuyên gia cho rằng, lợi ích mà vaccine này đem lại lớn hơn những nguy cơ đã biết hoặc có thể xảy ra.
Vero Cell là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8ºC và không để đông băng vắc xin, hạn sử dụng 02 năm, tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Chỉ được tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 3 - 4 tuần. Liều lượng đường tiêm 0,5 ml tiêm bắp.
Phản ứng sau tiêm chủng ghi nhận được hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn gồm:
- Phản ứng tại chỗ tiêm rất phổ biến là đau tại chỗ tiêm, không phổ biến đỏ, sưng, cứng, ngứa.
- Phản ứng toàn thân phổ biến nhất là đau đầu, sốt, mệt mỏi cơ, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy và ngứa.
Đây là những phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin, những dấu hiệu này cho thấy hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với vắc xin cụ thể là kháng nguyên 1 chất kích hoạt đáp ứng miễn dịch, do đó các phản ứng sau tiêm phổ biến ở mức độ nhẹ hoặc trung bình là một dấu hiệu tốt cho thấy vắc xin đang hoạt động, các dấu hiệu này thường tự biến mất sau vài ngày.
Theo TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, thông điệp từ tổ chức WHO rất rõ ràng, đó là người dân hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt. Đến nay, vaccine tiếp tục là công cụ bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong khi đối mặt với biến thể Delta.
Ngày 16/5/2021 vắc xin Covid-19 Vero Cell là vắc xin thứ 6 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL). Vắc xin Vero Cell đã cung cấp tới hơn 70 quốc gia.
Ngày 03/6/2021, vắc xin Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vắc xin thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.
Đại diện tổ chức WHO cũng chia sẻ, trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Vero Cell (Sinopharm). Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy, 2 liều vaccine này được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả đến 79%, tính 14 ngày trở đi sau tiêm liều thứ hai. Tổ chức này đã kết luận rằng, lợi ích mà vaccine Vero Cell (Sinopharm) đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.
Vì vậy, đại diện WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Vero Cell (Sinopharm) đang có ở Việt Nam hiện nay.
Tính đến ngày 05/10, tỉnh Đồng Tháp đã tiêm được 522.109 liều (tiêm mũi 1: 425.866 liều, đạt 36,05% dân số tỉnh; tiêm mũi 2: 96.243 liều, đạt 8,15% dân số tỉnh). Đồng Tháp cũng là một trong số các địa phương có tốc độ tiêm vắc xin nhanh nhất.
PL.