Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sáng 2/12, ngay từ khi thực hiện bình thường mới, TP.Biên Hòa đã phát sinh nhiều F0. 3 ngày qua, trung bình mỗi ngày thành phố có 3,1 ngàn ca F0. Biên Hòa đã và đang tập trung các giải pháp về chăm sóc y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đến sáng ngày 02/12/2021, toàn tỉnh ghi nhận thêm 475 ca nhiễm mới, trong đó có 262 ca sàng lọc cộng đồng (giảm 09 ca so với ngày hôm qua), còn lại trong các khu phong tỏa, cách ly tập trung, nâng tổng số ca nhiễm trong tỉnh là 88.265 ca. Trong ngày có thêm 675 bệnh nhân khỏi bệnh, đến nay có tổng số 73.964 bệnh nhân ra viện, chiếm tỉ lệ gần 84% so với tổng ca mắc. Ghi nhận thêm 18 bệnh nhân tử vong trong ngày.
Số ca nhiễm tại cộng đồng giảm 3,3% so với hôm qua, lũy kế trong 07 ngày giảm 0,5% so với 7 ngày trước đó. Trong ngày có 09/11 huyện, thành phố (trừ Cẩm Mỹ, Xuân Lộc) ghi nhận ca mắc mới và 08/11 huyện, thành phố (trừ Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành) ghi nhận ca mắc cộng đồng. Địa phương ghi nhận nhiều nhất An Bình (13), Long Bình (36), Tân Hiệp (13), Trảng Dài (20) – Biên Hòa; Bắc Sơn (13), Hố Nai 3 (10) – Trảng Bom.
Số ca mắc mới tại cộng đồng (trừ ca mắc trong khu cách ly, nhập cảnh) /100.000 dân/tuần (trung bình 2 tuần) là 65 ca/100.000 dân.
Sở Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm sớm nhất đạt mục tiêu 100% người dân toàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện; Tăng cường kiểm soát nguồn lây nhiễm tại các điểm nguy cơ cao như: chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đó là tăng cường tuyên truyền theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm trong phòng chống dịch; nâng cao năng lực y tế cơ sở; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng để khoanh vùng, cách ly, xử lý kịp thời. Triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa. Các địa phương phải quan tâm đảm bảo công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa, hoặc đến tận nhà để hỗ trợ người dân là F0 đang cách ly tại nhà. UBND tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc thiết lập một số khu cách ly tập trung tại từng cụm huyện để tiếp nhận các trường hợp F0, F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Đề nghị Sở Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện việc tiêm vaccine liều tăng cường cho người dân.
Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ thuốc điều trị COVID-19 Avigan do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo đó trong đợt này, Đồng Nai sẽ được cấp 70 ngàn viên thuốc AVIGAN 200mg. Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, Sở Y tế sẽ xem xét để phân bổ số thuốc này đến các cơ sở điều trị Covid-19 phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, tỉnh Đồng Nai đã phủ mũi 2 đạt 80%, còn 300 bệnh nhân đang điều trị ở tầng 3. Đến nay, toàn tỉnh có 791 ca tử vong, còn 294 bệnh nhân đang nằm ở tầng 3 của tháp điều trị. Như vậy, dự báo sẽ tiếp tục còn có ca tử vong do COVID -19 trong những ngày tới.
Về số ca mắc mới do COVID -19, trong ngày hôm qua ghi nhận 7.783 ca test nhanh dương tính, hơn 500 ca xét nghiệm PCR dương tính, không loại trừ khả năng còn những ca test nhanh dương tính trong cộng đồng mà không báo cáo với chính quyền địa phương. Chúng ta chấp nhận số ca mắc mới có thể tăng cao, nhưng giảm số ca tử vong vẫn là mục tiêu số 1. Chống dịch hay hay dở chưa nói đến, nhưng để người chết nhiều là dở. Cứu 1 mạng người bằng xây 9 tầng tháp, để mất 1 mạng người là tội lỗi. Do vậy, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở phải dứt khoát không để F0 tử vong tại nhà. Xã, phường nào, huyện, thành phố nào nếu để F0 tử vong tại nhà phải xem xét lại. Muốn làm được như vậy thì y tế lưu động, đội phản ứng nhanh phải nỗ lực; tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân. Giao UBND tỉnh kiểm soát chỉ số F0 tử vong tại nhà, xem xét trách nhiệm lãnh đạo địa phương nào để bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nhà và ca tử vong chưa được tiêm vaccine. Y tế lưu động, đội phản ứng nhanh cần tăng cường hỗ trợ dân, không thể thoái thác trách nhiệm này, phải xem cứu người là quan trọng.
Diệu Hồng (t/h)