Thứ tư 18/09/2024 14:44
Hotline: 024.355.63.010
Bất động sản

Dồn lực thực thi chính sách nhà ở, đất đai

12/03/2024 16:22
Hơn 100 nội dung của Luật Đất đai, 64 nội dung của Luật Nhà ở và 22 nội dung của Luật Kinh doanh bất động sản cần được quy định ở văn bản dưới luật mới có thể thực thi đồng bộ các chính sách về nhà ở, đất đai đã được Quốc hội quyết định.
aa
Ảnh minh họa
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân ở các địa phương. Trong ảnh: Một khu nhà ở công nhân ở Bắc Ninh.

Vừa nhiều, vừa khó

Từ ngày 1/1/2025, cả 3 đạo luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản đồng loạt có hiệu lực thi hành. Đây là cơ hội để tháo gỡ các nút thắt trong các lĩnh vực rất quan trọng với sự hồi phục kinh tế. Song, việc tận dụng cơ hội này ra sao còn phụ thuộc không nhỏ vào quá trình thực thi các chính sách mới của cả 3 đạo luật quan trọng này.

Tuần trước, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho đến các ý kiến khác đều nhấn mạnh việc đưa chính sách mới về đất đai, nhà ở vào cuộc sống một cách đồng bộ.

“Tại Kỳ họp thứ sáu và Kỳ họp bất thường thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước, có ý nghĩa không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chất lượng các luật, nghị quyết sau khi được ban hành bước đầu nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, đồng bào ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng, ông cũng lưu ý, khối lượng công việc cần thực hiện để triển khai thi hành luật là rất lớn khi mà nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều (gần 400 nội dung), vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ. Đặc biệt, riêng Luật Đất đai có 104 nội dung, Luật Nhà ở 64 nội dung, Luật Kinh doanh bất động sản 22 nội dung giao Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ quy định chi tiết.

“Cả 3 đạo luật lớn trên đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nên đòi hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ”, ông Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh.

Quán triệt các nội dung mới, trọng tâm của từng luật, trong đó có 9 nội dung của Luật Đất đai, 5 nội dung của Luật Nhà ở, 9 nội dung của Luật Kinh doanh bất động sản, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ yêu cầu đối với Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ trong tổ chức thi hành. Theo đó, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội phải có hiệu lực thi hành đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực thi hành.

Đột phá trong thay đổi cách thức phân loại đất.

Trong quá trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đề nghị Chính phủ chú trọng các nội dung về đề xuất phương án thay đổi cách thức phân loại đất phù hợp với điều kiện và phương thức quản lý nhà nước trong điều kiện mới, xây dựng lộ trình thực hiện, coi đây là một trong những nội dung đột phá của giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất thực sự cần thiết để xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu tại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Không làm phát sinh các chỉ tiêu sử dụng đất không hợp lý, thiếu linh hoạt, không phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cản trở sự phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Điểm danh 9 nghị định và 6 thông tư dự kiến ban hành trong năm 2024 để thi hành Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các cơ quan của Quốc hội sẽ giám sát việc ban hành các văn bản này. “Việc giám sát nhằm bảo đảm các nghị định, thông tư phải quy định chi tiết, đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2024; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hệ thống pháp luật”, ông Thanh nêu rõ.

Tích cực chuẩn bị đất cho nhà ở xã hội

Một trong những điểm rất mới của Luật Nhà ở là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngay sau khi Luật Nhà ở được thông qua (tháng 11/2023), Tổng Liên đoàn đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của Luật đến các cán bộ công đoàn chủ chốt, người lao động, nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong hệ thống công đoàn cho vấn đề nhà ở của công nhân.

Cơ quan này cũng đã chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật đầu tư, trong đó bám sát các nội dung mới của Luật Nhà ở và Dự thảo nghị định của Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Đáng chú ý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng Liên đoàn để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân. Từ khi Luật thông qua, việc này đã được triển khai ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang và TP. Hải Phòng, dự kiến quý II/2024 sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh khác. Sau khảo sát, sẽ triển khai công tác lập kế hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, công tác đầu tư, sau đầu tư.

Ông Hiểu cũng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai dự án xây dựng nhà ở theo giai đoạn đầu tư. Theo đó, dự kiến đến năm 2025 đầu tư xây dựng 3.000 căn và từ năm 2026 đến năm 2030, dự kiến xây dựng từ 10.000 đến 15.000 căn nhà cho công nhân.

Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ thông tin, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn Thành phố là rất lớn. Theo Đề án Xây dựng nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng được giao chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Lãnh đạo Hải Phòng cho biết, Thành phố đã chủ động gắn việc đầu tư nhà ở xã hội với việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, lựa chọn và bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội, nhằm chủ động, linh hoạt phát triển nhà ở, trong đó ưu tiên khai thác tối đa quỹ đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, tăng cường tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước về nhà ở xã hội…, để đưa chính sách vào cuộc sống.

Từ trách nhiệm của cơ quan giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, thường trực Ủy ban này đang tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, trong đó tập trung vào nội dung về phát triển nhà ở xã hội. “Đây là nội dung chính sách lớn, rất quan trọng để đưa Luật Nhà ở vào cuộc sống”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Không chỉ là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ.

Để thi hành pháp luật tốt, cần phải thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Đó không chỉ là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, hiệp hội như VCCI. Ngày 21/3 tới, tại Hà Nội, VCCI sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu các điểm mới của Luật Đất đai và tác động của các chính sách này tới các doanh nghiệp. Một hoạt động tương tự sẽ diễn ra ngày 4/4 tại TP.HCM.

Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn

Nguyên Lê

Tin bài khác
Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa vừa thực hiện khảo sát vị trí quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia rộng khoảng 140 ha tại Khu Công nghiệp số 6 của Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 233.000 người.
Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Phúc tỉnh đã phân bổ 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 1.815 dự án, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng vốn.
VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Phú Thọ (VietinBank Phú Thọ) tổ chức gặp mặt, tọa đàm kết nối với doanh nghiệp.
Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp – Phan Văn Thắng cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị liên quan tiếp Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, do ông Nguyễn Đăng Lực - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm trưởng đoàn.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son