
Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, tiếp sức doanh nghiệp FDI vượt đại dịch
Ngày 18/9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để ghi nhận, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp. Qua đối thoại, tỉnh Đồng Nai sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp tại Đồng Nai vẫn cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với 1.559 dự án với tổng vốn đăng ký gần 32,35 tỷ USD. Riêng 8 tháng của năm 2021, thu hút vốn FDI được hơn 975 triệu USD.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, để duy trì sản xuất, có 1.143 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, chiếm 73,3% tổng số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp FDI thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng không thể kéo dài quá 2 tuần đã phải dừng hoạt động; số còn lại tiếp tục duy trì sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tại buổi đối thoại, các hiệp hội, doanh nghiệp FDI đánh giá cao môi trường đầu tư của Đồng Nai; cơ bản đồng tình với phương án phòng chống dịch COVID-19 do cơ quan chức năng triển khai. Đồng thời cho rằng chính quyền Đồng Nai đã kịp thời hỗ trợ, giải quyết các thủ tục trong quá trình doanh nghiệp triển khai phương án "3 tại chỗ" (công nhân làm việc, ăn ở tại công ty).
Theo đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan rộng, duy trì chuỗi sản xuất, những tháng qua hàng loạt doanh nghiệp ở Đồng Nai đã cho công nhân lưu trú tại công ty. Quá trình thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải bỏ thêm nhiều chi phí lo ăn ở, phụ cấp cho người lao động, xét nghiệm COVID-19; số công nhân lưu trú không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Việc lưu trú trong thời gian dài ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người lao động. Đến nay, doanh nghiệp đã được ngành chức năng phân bổ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân, song số lượng phân bổ ít, chưa đáp ứng nhu cầu.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, từ ngày 20/9, Đồng Nai chính thức triển khai kế hoạch từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, đây là điều đáng mừng, tạo tiền cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, chính quyền cần xem xét, nới lỏng một số tiêu chí trong kế hoạch, nhất là quy định về tỷ lệ tiêm vaccine, thông thương hàng hóa, đi lại của người lao động.
Tại buổi đối thoại, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã trả lời tất cả những câu hỏi, thắc mắc của các hiệp hội, doanh nghiệp FDI. Đồng thời khẳng định chính quyền Đồng Nai rất chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động.
Ông Cao Tiến Dũng khẳng định: Phương châm nhất quán của Đồng Nai là "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, sớm tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang diễn biến rất phức tạp nên việc nới lỏng các biện pháp, quy định phòng, chống dịch sẽ được tỉnh thực hiện theo lộ trình.
Hiện nay, việc thông thương hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai được thực hiện theo "luồng xanh", không có chuyện cản trở. Về đi lại giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thống nhất thành lập Tổ giải quyết liên vùng, sắp tới Tổ này sẽ đưa ra những quy định cụ thể áp dụng cho cả vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ngành chức năng Đồng Nai không tạo ra các loại giấy phép "con", làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tạo miễn dịch trong các nhà máy, tới đây Đồng Nai sẽ tiếp tục phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho doanh nghiệp; điều trị, cách ly những công nhân nhiễm, tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai mong muốn, thời gian tới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh Đồng Nai triển khai các biện pháp phòng, chống dịch là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng, gián tiếp bảo vệ tính bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần xác định phòng, chống dịch là bảo vệ chính mình để từ đó nâng cao ý thức, không để dịch lây lan./.
Theo: http://baochinhphu.vn
Cùng chuyên mục


Bình Dương lên chiến lược hút FDI trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

Chủ đề năm 2024 của Bộ TTTT: Phổ cập hạ tầng số, ứng dụng số để phát triển kinh tế số

Tư vấn pháp lý để tránh “sập bẫy” lừa đảo thương mại quốc tế

Ít đơn hàng mới, nhu cầu sản xuất và công việc tồn đọng tiếp tục giảm

Thúc đẩy các dự án mới trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng
-
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Nghị định 80 tác động tích cực ổn định giá xăng những tháng cuối năm
-
Ông Thomas Rooney: Trung tâm dữ liệu của Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới
-
PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương: Thuê mua nhà ở xã hội sẽ an toàn cho người thu nhập thấp
-
Ông Thomas Krause: Áp dụng kinh tế tuần hoàn cho nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ để hướng tới phát triển đô thị bền vững
-
TS. Cấn Văn Lực: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phục hồi dù vẫn còn rào cản