Độc quyền magiê tại Trung Quốc đã phá hủy nguồn cung toàn cầu như thế nào?

17:05 28/10/2021

Cuộc khủng hoảng điện năng của Trung Quốc khiến giá magiê tăng vọt, làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và khiến châu Âu tuyệt vọng.

Trung Quốc độc quyền magiê khiến ngành ô tô nước ngoài điêu đứng
Trung Quốc độc quyền magiê khiến ngành ô tô nước ngoài điêu đứng. (Ảnh: Xinhua)

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu phụ thuộc vào magiê nhưng hiện tại, Trung Quốc gần như độc quyền hoàn toàn trong ngành này, chiếm 87% nguồn cung sản xuất của thế giới. Sản xuất magiê tiêu tốn nhiều điện năng và thải carbon gấp 5 lần so với sản xuất thép. Sau nhiều năm giá cả ổn định, chi phí magiê đã tăng vọt trong khi sự thiếu hụt kim loại này đang khiến người dùng hạ nguồn "nghẹt thở". Theo đánh giá Hiệp hội Công nghiệp Kim loại Màu Trung Quốc (CNMA) cho thấy, giá magiê tăng đột biến trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9, thậm chí tăng gấp đôi lên mức trung bình hàng tháng là gần 42.000 nhân dân tệ (6.600 đô la) / tấn và đạt mức cao nhất là 70.000 nhân dân tệ (11.000 đô la Mỹ)/ tấn. Giá magiê dao động trong khoảng 14.000 đến 20.000 nhân dân tệ một tấn trong thập kỷ qua.

Sự thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà sản xuất ô tô. Tuần trước, Hiệp hội công nghiệp kim loại màu của Đức WVM đã viết thư gửi chính phủ Đức, cảnh báo về tác động của tình trạng thiếu hụt đối với toàn bộ châu Âu do Trung Quốc nhiều lần mất điện. Theo Reuters, dự kiến, lượng magiê tồn kho hiện tại ở Đức và toàn châu Âu sẽ cạn kiệt vào cuối tháng 11 năm 2021. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (EAMA) cũng đã đệ trình một bức thư ngỏ lên Ủy ban EU vào tuần trước nêu rõ “tác động thảm khốc” của tình trạng thiếu hụt sản xuất, đóng cửa kinh doanh và mất việc làm nếu châu Âu hết magiê vào cuối tháng 11.

"Các ngành công nghiệp của chúng tôi cùng kêu gọi Ủy ban EU và chính phủ các quốc gia khẩn trương có các hành động ngay lập tức với các đối tác Trung Quốc để giảm thiểu vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng trong ngắn hạn, cũng như các tác động cung cấp dài hạn đối với các ngành công nghiệp châu Âu”, bức thư nêu rõ. Đáp lại, chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà máy luyện magiê lớn nhất nước ở Yulin, tỉnh Thiểm Tây điều chỉnh tình trạng cắt giảm điện năng. Sản lượng magiê tại khoảng 50 lò luyện của Yulin ở quận Fugu, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng của Trung Quốc, đã giảm một nửa so với giữa tháng 9 và 15 trong số các lò luyện này có khả năng ngừng sản xuất hoàn toàn cho đến tháng 3.

Mok Yuen Cheng, nhà phân tích hàng hóa của S&P Global Platts chỉ ra lĩnh vực ô tô và nhôm có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu thiếu magiê: "Hiện tại, với nguồn cung magiê thắt chặt, các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn và sản lượng tiềm năng hạn chế hơn nữa". Trong tháng 9, đăng ký ô tô mới của châu Âu giảm 23%, sản lượng ô tô của Trung Quốc giảm 17,9% và Toyota Motor cắt giảm tổng sản lượng 40%. Được biết, một chiếc ô tô cần tới khoảng 15 kilogam magiê. Việc gia tăng áp lực nhằm hạn chế lượng khí thải carbon, cùng với chi phí sản xuất điện cao do nhiệt điện than đắt đỏ, đã góp phần gây ra thảm họa điện của Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải, sản xuất magiê đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện năng vì ngoài việc tiêu tốn nhiều điện. Đối với những nhà sản xuất ô tô bên ngoài Trung Quốc cũng đang phải đối phó với giá xuất khẩu tăng vọt. 

TL