Doanh nhân Li Wusong: 10 năm phá thế độc tôn của châu Âu và Hoa Kỳ

10:03 15/04/2021

Xuất thân là một chàng trai nông thôn, Li Wusong đầy nghị lực trở thành tiến sĩ khoa học vật liệu tại Đại học Bắc Kinh. Trong quãng 10 năm đầu khởi nghiệp bị lừa khiến Li đứng trước nguy cơ phá sản. Cho đến năm 2013, anh đã thành lập dây chuyền sản xuất Dendrimer đầu tiên ở châu Á, phá vỡ thế độc quyền của châu Âu và Hoa Kỳ.

Cậu bé nghèo nghị lực

Sinh ra ở một ngôi làng nông thôn ở Giang Tây, bố mẹ đều là nông dân, tuổi thơ của cậu bé Li cơ cực với đầy lo toan cuộc sống. Rất nhanh cậu nhận ra gia cảnh bần hàn là thứ níu kéo tương lai. Li Wusong lập tức hiểu ra rằng: Đối với người bình thường chỉ có thể thay đổi vận mệnh là thi đại học. Sau đó anh đã được nhận vào học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh và được cử đi học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh. Giấc mơ mà cậu bé nghèo ấp ủ bấy lâu nay đã thành hiện thực!

Trong suốt những năm theo học, Li Wusong đã nghiên cứu về chuyên ngành polyme và tốt nghiệp tiến sĩ năm anh gần 30 tuổi. Li chia sẻ chính gia cảnh nghèo khó đã giúp anh trưởng thành và có thêm động lực. Trong vài năm làm tại một công ty nước ngoài trong doanh sách Fortune 500, Li tiết kiệm đủ tiền lập nghiệp và tách ra thành lập công ty riêng. Ý tưởng ban đầu rất đơn giản, đó là kiếm tiền để trả ơn cho cha mẹ, mang lại cho gia đình sống đàng hoàng, hạnh phúc hơn. 

Li Wusong
Li Wusong. (Ảnh: internet)

Bị lừa đảo và trên bờ vực phá sản

Mười năm trước, lĩnh vực dendritic polymers trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu và giá cao khủng khiếp. Vào thời điểm đó, Li nảy sinh ý tưởng, nếu có thể hạ giá polyme đồng thời năng lực sản xuất vật liệu mới của nước nhà được đẩy lên một tầm cao mới thì quả là một điều tuyệt vời.

Ngay từ ngày đầu tiên khởi nghiệp, anh đã định hướng công ty trở thành một doanh nghiệp đổi mới công nghệ coi trọng nguồn gốc của sự đổi mới. Khát khao sáng tạo cùng suy nghĩ đơn thuần mong muốn giá trị công nghệ được ghi nhận của Li tuy rằng là một động lực tích cực nhưng khởi nghiệp lại không hề dễ dàng như vậy. Vòng xoay một ngày của anh luân chuyển đủ các công việc khi vừa trực tiếp phát triển nghiên cứu, tiếp thị và quản lý. Chính điều này đã khiến Li vốn đã ít kinh nghiệm nay càng thiếu sự sáng suốt khi luẩn quẩn trong mớ bòng bong và bị lừa bán những thiết bị “rác” không thể sử dụng được, anh đã mất cả một năm trời mới thu được tiền bối thường.

Sau này, sản phẩm được mở bán. Đơn hàng đầu tiên cách đây mười năm được bán thông qua trang web Alibaba B2B có giá hàng chục nghìn đô la đánh dấu mốc sự kiện quan trọng đối với Li và đội ngũ từ khi bắt đầu kinh doanh. Công ty sản xuất các sản phẩm thử nghiệm và cung cấp cho các trường đại học, chẳng hạn như Đại học Y khoa Baylor, Học viện Khoa học Úc, Đại học Công nghệ Nanyang, Học viện Khoa học Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, v.v. Với tham vọng lớn hơn, Li quyết định phát triển quá trình công nghiệp hóa dendritic polymers mà đất nước vẫn luôn bị phụ thuộc vào châu Âu và Hoa Kỳ. 

Ảnh minh họa Dendrimer
Ảnh minh họa Dendrimer. (Ảnh: internet)

Thiếu tài liệu tham khảo, thiếu kinh nghiệm và nghiêm trọng hơn là thiếu tiền là những vấn đề cấp thiết lúc bấy giờ. Li đã tiêu hết tiền tiết kiệm, vay mượn khắp nơi, căn nhà ở quê đã thế chấp nhưung tình hình vẫn không tốt đẹp. Mất hơn một năm từ thí nghiệm lò phản ứng 10 lít đến 100 lít đến một tấn, công ty thực hiện hàng trăm thí nghiệm, tất cả đều thất bại. Vì quá khó khăn, những nhân tài kỹ thuật lần lượt bỏ đi, thậm chí cả giám đốc kinh doanh cũng gần như suy sụp.

Trên tất cả, tinh thần thép đã giúp Li Wusong vượt qua gian khó. Anh chia sẻ với cương vị là người sáng lập công ty, anh phải có trách nhiệm gánh vác. Giống như một trụ cột gia đình, nếu người đứng đầu sa ngã, làm sao công ty có thể tồn tại! Bên cạnh đó, bằng óc quan sát và phán đán nhạy bén mách bảo Li bằng mọi giá phải thực hiện được mục tiêu xây dựng dây chuyền sản xuất công nghiệp dendrimer.

Phá vỡ thế độc quyền của Châu Âu và Châu Mỹ, gây dựng dây chuyền sản xuất dendrimer đầu tiên ở Châu Á

Sau nhiều nỗ lực, công ty của Li đã nhận được tài trợ. Bằng cách này, cuối cùng dây chuyền sản xuất dendrimer đầu tiên ở Châu Á chính thức được thành lập vào năm 2013

Như một kì tích, các vật liệu dendrimer do Chenyuan Molecules phát triển đã phá vỡ thế độc quyền của Châu Âu và Hoa Kỳ. Vốn dĩ, 1 gam nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài có giá hàng chục nghìn nhân dân tệ. Bây giờ chỉ cần vài nghìn nhân dân tệ là có thể mua được từ Chenyuan Molecules giúp giảm đáng kể chi phí. Hơn nữa, nếu như các nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải mất hơn một tháng mới nhận được hàng thì Chenyuan có thể giao hàng trong vòng chưa đầy một tuần. Dần dần, quy mô công ty ngày càng phát triển, đơn hàng ngày càng ổn định, những khoản nợ đọng cũng được trả hết. Sau đó, Li đã phát triển hơn 20 loại sản phẩm dendrimer polyme và từng bước ứng dụng thành công vào y sinh, cao su nhựa, vật liệu composite, xử lý nước, nhựa epoxy biến tính, in 3D và các lĩnh vực khác.

Là một công ty mới thành lập, chi phí R&D của Chenyuan Molecule gấp hơn 10 lần so với các công ty cùng ngành. Sau đó là hệ thống quản lý chất lượng, kiểm tra lô hàng nghiêm ngặt,… chẳng hạn độ tinh khiết và điểm đen phải dưới vài phần vạn trước khi xuất xưởng. Trước mắt tình hình quả thực có chút căng thẳng nhưng về lâu dài có thể thấy được tiềm năng của công ty. Đối với Li Wusong, mục tiêu và tầm nhìn của anh là đạt đến mức hàng tỷ và hàng chục tỷ, thực sự phá vỡ thế độc quyền của châu Âu và Mỹ, đồng thời giải quyết vấn đề “gây nhiễu” công nghệ.

Không lừa đảo, không bán phá giá

Từ khi làm việc ở công ty nước ngoài đến khi khởi nghiệp sau này, Li thường xuyên gặp phải tình trạng lừa đảo. Để hạ giá thành, một số người không ngại hy sinh chất lượng và thêm những thành phần không nên vào sản phẩm. Cuộc chiến giá cả trong ngành này cũng là một mớ hỗn độn và kết quả là chất lượng ngày càng thấp còn giá thì bị chèn ép.

Li Wusong không như vậy. Anh nhấn mạnh công nghệ tạo ra giá trị, tạo ra những sản phẩm thực sự tốt và mang lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng và xã hội. Vì vậy, vào năm 2017, Li đã thành lập công ty thứ hai có tên Jiuhua New Materials, chuyên về hạ nguồn của chuỗi công nghiệp polyme đặc biệt và phát triển các vật liệu bảo vệ. Ở Trung Quốc có quá nhiều xí nghiệp hoạt động dưới mô hình xưởng nhỏ lẻ, không ai chú ý đến việc đổi mới nghiên cứu và phát triển mà chỉ cần sản phẩm có thể dùng được thì sẽ mang đi bán. Đất nước lâm vào cảnh công suất sản xuất cấp thấp và trung cấp đang dư thừa nhưng sản phẩm cao cấp lại thiếu hụt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Trong ba năm qua, Jiuhua New Materials đã làm việc với đội ngũ người Đức để phát triển một loạt các lớp phủ bảo vệ đặc biệt như chống cháy nổ, chống mài mòn và chống ăn mòn, đã được ứng dụng thành công cho các loại xe đặc biệt, công nghiệp thiết bị, vận chuyển đường sắt, công nghiệp hóa chất, năng lượng điện, đóng tàu,... Công ty thu về thành công đầu tiên khi thực sự sở hữu những đổi mới trong công nghệ và sản xuất, phá vỡ thế độc quyền của các thương hiệu nước ngoài trên thị trường cao cấp và giá cuối cùng chỉ bằng 50% sản phẩm Âu Mỹ. Để có được thành tựu lớn như vậy, Li đã đầu tư cho R&D của Jiuhua New Materials gấp hơn 10 lần so với các công ty cùng ngành.Tuy vẫn là startup nhưng anh phỏng vấn 6, 7 nhân tài R&D mỗi ngày. Bên cạnh đó, công ty còn tuyển dụng trực tiếp những sinh viên hàng đầu của các đại học danh tiếng về đầu quân.

Li Wusong có một câu nói nổi tiếng: “Tôi luôn tin rằng người Trung Quốc không thua kém người nước ngoài”. Việc Chenyuan và Jiuhua có thể đuổi kịp các công ty quốc tế trong thời gian ngắn, phá vỡ thế độc quyền của châu Âu và Mỹ và đạt được vị trí hàng đầu ở Trung Quốc cũng như châu Á là một minh chứng. Theo anh Li, hai công ty này có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân viên, tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, sử dụng công nghệ để thúc đẩy tiến bộ của ngành và mang lại những sản phẩm công nghệ hữu hình cho người dân Trung Quốc.

TL