Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, hiện có 17 doanh nghiệp xi măng trên cả ba sàn chứng khoán (HoSE, HNX và UPCoM) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025 và cho thấy bức tranh vẫn mang gam màu xám, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn chìm trong thua lỗ.
Đứng đầu danh sách thua lỗ là CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) khi công ty này tiếp tục lỗ gần 60 tỷ đồng trong quý đầu năm, cùng kỳ lỗ gần 49 tỷ.
Trong quý I/2025, doanh thu thuần của Xi măng Bỉm Sơn tăng 12% lên 772 tỷ đồng. Lãi gộp thu về gần 25 tỷ. Song do chi phí bán hàng lớn (hơn 42 tỷ), chưa kể các chi phí quản lý doanh nghiệp (gần 31 tỷ) và chi phí tài chính đã khiến công ty lỗ ròng hơn 60 tỷ đồng cả quý.
Thực tế, Xi măng Bỉm Sơn - một doanh nghiệp thường đứng top 5 sản lượng tiêu thụ cả nước, đã có một loạt quý thua lỗ từ quý III/2022 tới nay (trừ quý IV/2024 vừa rồi).
Trong khi đó, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) - Doanh nghiệp xi măng lớn nhất miền Nam cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng với 6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức hơn 1.587 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt hơn 135 tỷ đồng, tăng 30%.
Tuy nhiên các chi phí hoạt động lớn đã ăn mòn hết lợi nhuận gộp, khiến doanh nghiệp báo lỗ ròng gần 9,2 tỷ đồng.
![]() |
Công ty Xi măng Hà Tiên là đơn vị sản xuất xi măng lớn nhất phía Nam. (Ảnh minh hoạ: Xi măng Hà Tiên). |
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Nguyễn Quốc Thắng, Tổng giám đốc cho biết quý I/2025 lỗ sau thuế hơn 9 tỷ đồng, tuy nhiên đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 25 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Riêng lợi nhuận tháng 3/2025 đã đạt 51 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực.
Một yếu tố hỗ trợ quan trọng cho kết quả kinh doanh của công ty là thị trường phía Nam đang thiếu clinker do giá xuất khẩu tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nội địa. Nhờ vậy, sản lượng xi măng quý I của Xi măng Hà Tiên tăng hơn 19% so với cùng kỳ.
Song song với đó, khối sản xuất của công ty cũng đã cắt giảm đáng kể chi phí trong tháng 3, qua đó tạo đà cải thiện lợi nhuận.
Hiện tại, Xi măng Hà Tiên đang cung cấp xi măng cho dự án sân bay Long Thành. Công ty cho biết đã tham gia các gói cung ứng chính từ cuối năm 2023, cung cấp xi măng trực tiếp hoặc thông qua các trạm trung gian.
Với các dự án lớn tại khu vực phía Nam, Xi măng Hà Tiên thường cung cấp từ 50% đến 100% tổng nhu cầu xi măng. Nếu duy trì mức tối thiểu 50%, sản lượng cung cấp cho sân bay Long Thành có thể đạt 450.000 tấn.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh trong việc cung ứng xi măng cho dự án sân bay Long Thành rất khốc liệt. Giá bán xi măng chỉ nhỉnh hơn giá thành sản xuất, gây áp lực lên biên lợi nhuận.
Một doanh nghiệp ‘họ’ Vicem khác là CTCP Vicem Bút Sơn (Mã: BTS) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2025 cũng tăng 19% lên gần 614 tỷ đồng. Giá vốn cao đã bào mòn lợi nhuận gộp chỉ còn chưa tới 23 tỷ đồng. Con số này không thể bủ đủ các chi phí hoạt động (riêng chi phí bán hàng đã hơn 20 tỷ) khiến cả quý, Vicem Bút Sơn lỗ ròng hơn 28 tỷ đồng, dù vậy vẫn cải thiện hơn so với mức lỗ gần 55 tỷ đồng của quý I/2024.
Xi măng Sài Sơn (Mã: SCJ) cũng chứng kiến bức tranh kém sắc khi từ lãi chuyển qua lỗ hơn 3 tỷ đồng. Công ty cho biết đã và đang tìm mọi giải pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm giá bán để bán hết sản phẩm, tăng độ phủ trên thị trường, điều này khiến lợi nhuận giảm.
Một loạt các công ty khác vẫn thua lỗ là CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (Mã: HVX) lỗ 14 tỷ, Xi măng Phú Thọ (Mã: PTE) lỗ 9 tỷ, Xi măng Sài Sơn (Mã: SCJ) lỗ 3 tỷ, Xi măng Quán Triều VVMI (Mã: CQT) lỗ 2 tỷ và Vicem Thương mại Xi măng (Mã: TMX) lỗ hơn 1 tỷ. Nhưng doanh thu thuần của những công ty này đều tăng trưởng một đến hai chữ số.
Chiều ngược lại vẫn có một vài doanh nghiệp nhỏ lại rực sáng, điển hình như Xi măng La Hiên VVMI (Mã: CLH) lãi hơn 2 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ, nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện.
Xi măng Yên Bình (UPCoM: VCX) hưởng lợi từ việc giảm giá thành sản xuất, giúp công ty có lãi 6 tỷ đồng, tăng 39%.
Đáng chú ý, Xi măng VICEM Hoàng Mai (Mã: HOM) sau 2 quý thua lỗ liên tiếp, đã có lãi nhẹ hơn 500 triệu đồng nhờ thị trường miền Trung khởi sắc và giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.
Thực tế theo Báo cáo thị trường xi măng quý I/2025, cả nước đã tiêu thụ 15,06 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ. Mặt xuất khẩu cũng cải thiện đạt 8,32 triệu tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng toàn ngành trong quý đầu năm đã tăng gần 20% lên 23,38 triệu tấn.
Kết quả này đặt trong bối cảnh sức phục hồi của thị trường bất động sản vẫn có yếu, nhưng đầu tư công và một số tín hiệu từ khu vực tư nhân đã hỗ trợ phần nào cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng này.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp từ Vicem. |
Giải thích cho nhiều doanh nghiệp vẫn thua lỗ là do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng, dầu liên tục trong thời gian qua (ngành xi măng tiêu thụ rất nhiều điện năng). Chưa kể các chi phí bán hàng lớn khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó, dù đã có một số công ty điều chỉnh tăng giá bán lên người tiêu dùng nhằm cân đối chi phí.
Thực tế, ngành xi măng hơn một thập kỉ qua vẫn chưa giải quyết được bài toán cung - cầu khi ngành phải chứng kiến sự dư thừa nguồn cung trầm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2024, hiện nay, cả nước có 92 dây chuyền, với tổng công suất khoảng 123 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2024, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ chỉ khoảng 95 triệu tấn (nội địa khoảng 65,3 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29,7 triệu tấn). Như vậy, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 2 - 3% so với năm 2024, đạt mức 95 - 100 triệu tấn. Trong đó tiêu thụ nội địa dao động từ 60 - 65 triệu tấn, còn xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 30-35 triệu tấn.
Dư thừa nguồn cung lớn, tiêu thụ nội địa tăng chậm, thậm chí còn giảm, kênh xuất khẩu 3 năm gần nhất của ngành xi măng giảm mạnh, chỉ đạt quanh ngưỡng 30 triệu/tấn/năm, dẫn đến nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng, nguy cơ đóng cửa, thua lỗ và nợ xấu.
Theo nhận định của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng trong nước hiện vẫn rất khó do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi (ngành chính yếu sử dụng xi măng làm nguyên vật liệu đầu vào). Xuất khẩu cũng chịu cạnh tranh gay gắt và phòng vệ thương mại gia tăng.
Hiện, một số doanh nghiệp đã không thể xuất khẩu hoặc xuất được nhưng sản lượng rất thấp do vướng phòng vệ thương mại tại các thị trường truyền thống như Philippines, Đài Loan.
Trong chiến lược dài hạn, ngành xi măng vẫn phải tập trung vào tiêu thụ trong nước, bởi đây mới là kênh tiêu thụ chính yếu của ngành. Để kích cầu, VNCA cùng một số Hiệp hội ngành nghề đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng thông qua phát triển nhà ở, kết cấu hạ tầng, đường giao thông và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới.