Bài liên quan |
Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ các FTA để khơi thông thị trường xuất khẩu |
Việt Nam đẩy mạnh đàm phán FTA, chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu |
Tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”, tổ chức ngày 21/5 bởi Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) và Báo Sài Gòn Giải Phóng, các chuyên gia và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều phân tích và đề xuất thực tiễn nhằm nâng cao sức chống chịu và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thoát khỏi tư duy “một thị trường” – lời cảnh tỉnh từ thực tế
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh – nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu đang đứng trước sức ép lớn từ hàng rào thuế quan và các biện pháp bảo hộ thương mại do nhiều nước áp đặt. Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay mới chỉ chạm tới một hoặc hai thị trường lớn như Hoa Kỳ, và sau khi đạt được một số kết quả bước đầu, nhiều đơn vị không chủ động mở rộng ra các thị trường khác. Theo bà Chi, đây là một tư duy tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo doanh nghiệp cần tái định vị thị trường xuất khẩu, không nên phụ thuộc vào một vài thị trường. Các thị trường ngách, thị trường Halal hay những thị trường mới nổi đều là cơ hội tiềm năng nếu doanh nghiệp chịu đầu tư nghiên cứu và triển khai chiến lược phù hợp,” bà Kim Chi nhấn mạnh.
![]() |
Doanh nghiệp Việt cần chủ động tái định vị thị trường xuất khẩu |
Bài học từ thực tế doanh nghiệp: Không bỏ trứng vào một giỏ
Bà Võ Thị Liên Hương – Tổng Giám đốc Công ty Secoin – đã chia sẻ câu chuyện thành công của doanh nghiệp trong việc phát triển xuất khẩu theo hướng phân tán rủi ro. Hiện nay, Secoin đã xây dựng được hệ thống phân phối tại hơn 60 thị trường trên toàn cầu. Bà Hương cho rằng chiến lược “không bỏ trứng vào cùng một giỏ” là yếu tố sống còn, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thương mại thay đổi liên tục.
Trước tình hình bị áp thuế 46% từ một thị trường, Secoin đã ngay lập tức phối hợp cùng các đối tác trong chuỗi cung ứng để phân chia gánh nặng thuế theo tỷ lệ hợp lý: nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cùng chia sẻ chi phí, thay vì cạnh tranh bằng cách hạ giá. Đồng thời, doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm mới, tập trung vào những giá trị khác biệt để giữ vững thị phần.
Không dừng lại ở đó, Secoin và nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng của TP. Hồ Chí Minh còn chủ động tham gia hội chợ tại Úc nhằm tìm kiếm thêm khách hàng và mở rộng thị trường. Đây được xem là giải pháp linh hoạt và hiệu quả trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống đang gặp khó.
Áp lực về đơn hàng và dòng tiền ngày càng lớn
Dưới góc nhìn vĩ mô, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HUBA – cho rằng dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt trên 102 tỷ USD và tăng hơn 10% so với cùng kỳ, nhưng khi phân tích sâu sẽ thấy bức tranh xuất khẩu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chiến lược đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí có nguy cơ không có đơn hàng mới trong tháng 7 tới. Điều này không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn khiến dòng tiền doanh nghiệp bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì hoạt động, nhất là với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa,” ông Hòa cảnh báo.
Một điểm sáng được nhấn mạnh tại diễn đàn là xu hướng sản xuất xanh và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế đang trở thành đòi hỏi tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo bà Võ Thị Liên Hương, việc chạy theo từng tiêu chí riêng lẻ không còn phù hợp, thay vào đó, doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện, đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.