![]() |
Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ các FTA để khơi thông thị trường xuất khẩu |
Không bỏ hết trứng vào một rổ
Trước bối cảnh Hoa Kỳ áp mức thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) – cho biết đây là diễn biến không nằm ngoài dự báo của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt khi ngay từ thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố tái tranh cử, Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản ứng phó chi tiết. Sau khi ông Trump chính thức đắc cử, Bộ đã nhanh chóng báo cáo Chính phủ và đề xuất các phương án thích ứng cụ thể. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác chuyên trách về việc tăng cường hợp tác và chủ động thích nghi với các điều chỉnh trong chính sách kinh tế - thương mại của Hoa Kỳ. Tổ công tác do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó, cùng sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò cơ quan thường trực, đảm nhiệm việc điều phối và cập nhật tình hình thường xuyên.
Theo ông Linh, Tổ công tác này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là các điều chỉnh chính sách từ phía Hoa Kỳ, từ đó kịp thời tham mưu và kiến nghị với Chính phủ các giải pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả. Mục tiêu đặt ra là không chỉ vượt qua những thách thức ngắn hạn mà còn nắm bắt được cơ hội dài hạn, tiếp tục giữ vững môi trường ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi và tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cho đất nước.
![]() |
Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ các FTA để khơi thông thị trường xuất khẩu |
Mặc dù thừa nhận rằng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do những rào cản mới, ông Linh khẳng định các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó, với quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025. Bộ Công Thương đặc biệt khuyến nghị doanh nghiệp tận dụng thế mạnh từ 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với hơn 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương như các ủy ban liên Chính phủ, ủy ban hỗn hợp, các FTA... Trong đó, việc đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu, nhất là mở rộng sang những khu vực còn nhiều tiềm năng như Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Song song đó, ông Linh lưu ý doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cải thiện chất lượng công tác hậu cần – logistics để giảm chi phí vận chuyển, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Về phía cơ quan chức năng, Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tăng cường cảnh báo sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ khởi kiện hoặc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp... nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nền kinh tế trong nước. Một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là kiến nghị Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, giúp cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh và kết nối hiệu quả với các đối tác quốc tế.
Đặc biệt, ông Linh nhấn mạnh doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ xuất xứ nguyên liệu, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phòng tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại – một vấn đề đang ngày càng được kiểm soát nghiêm ngặt bởi các cơ quan chức năng nước ngoài. Ông khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì thị phần tại thị trường Hoa Kỳ, đồng thời chủ động tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng khác, nhằm củng cố vị thế hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nâng cao sức chống chịu
Trong quý I năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra và rà soát liên quan đến phòng vệ thương mại nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, ba vụ việc điều tra chống bán phá giá, ba vụ rà soát cuối kỳ và ba vụ rà soát biện pháp chống lẩn tránh – được khởi xướng từ năm 2024 – đang được triển khai, trong đó một vụ đã hoàn tất. Ngoài ra, Bộ cũng đã khởi xướng thêm một vụ rà soát mới trong năm nay.
Hiện tại, có chín biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, trong khi hai vụ việc khác – liên quan đến thép mạ và thép cán nóng – vẫn đang trong quá trình điều tra. Những biện pháp này đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tác động tiêu cực từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời bảo vệ sản xuất, việc làm trong nước, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Song song với các nỗ lực bảo vệ thị trường nội địa, Bộ Công Thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2025, tổng cộng có 282 vụ điều tra được khởi xướng từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong số này, các vụ điều tra chống bán phá giá chiếm tỷ lệ lớn nhất với 153 vụ, tiếp theo là 59 vụ việc tự vệ, 39 vụ việc chống lẩn tránh và 31 vụ việc chống trợ cấp.
Với sự chủ động và phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc chỉ bị áp mức thuế thấp, từ đó duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý, trong tháng 3/2025, Hoa Kỳ đã công bố kết luận sơ bộ vụ điều tra chống trợ cấp với sản phẩm đúc bằng sợi và vỏ viên nhộng cứng nhập từ Việt Nam, với kết quả khá tích cực: các doanh nghiệp hợp tác chỉ chịu mức thuế lần lượt là 3,39% và 2,15%. Trong khi đó, EU cũng đưa ra kết luận sơ bộ vụ điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng, trong đó một doanh nghiệp lớn của Việt Nam không bị áp thuế.
Để tăng cường khả năng cảnh báo và phòng ngừa, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật danh sách và đăng tải thông tin cảnh báo sớm về các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra trên cổng thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại và của Bộ. Các thông tin này cũng được gửi trực tiếp đến các cơ quan, hiệp hội có liên quan. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát sao các chính sách thuế quan của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp.