Doanh nghiệp start-up của Việt Nam "dịch chuyển số" cùng Chính phủ

17:04 27/11/2020

Là chủ đề diễn đàn đối thoại thường niên giữa các quỹ đầu tư trong và ngoài nước với các cơ quan tham mưu cho Chính phủ và cộng đồng start-up, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng start-up lớn mạnh. Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của doanh nghiệp và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Chúng ta huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp start-up tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình. Tất cả các nỗ lực của Chính phủ, cùng sự góp sức của cộng đồng sẽ tạo nên những nền tảng dữ liệu rất bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp start-up.

Sau 1 năm tăng đột biến của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp start-up ở Việt Nam đạt mức 800 triệu USD thì năm 2020 lượng vốn chỉ có khoảng hơn 200 triệu USD.

Nhưng trong bức tranh chung, cộng đồng start-up của Việt Nam đã có những điểm sáng. Đó là việc nhiều  đã nằm trong top đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung và có những doanh nghiệp đã bắt đầu có sản phẩm bước ra thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ luôn mong muốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam. Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo trong dài hạn và sát với thực tế thì tất cả các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt thì mới có cơ hội phát triển và quan trọng là phải biết cách thích ứng, cũng cần tự tin hơn với kinh nghiệm, cách làm của mình.

Từ việc Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước trên thế giới đề nghị Việt Nam đúc kết những kinh nghiệm chống dịch Covid-19 hiệu quả, Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng start-up nói riêng hãy tự tin hơn nữa bởi chúng ta đã có những doanh nghiệp start-up chiếm lĩnh được thị trường gần 100 triệu dân trong nước, có sản phẩm bước ra thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới. Doanh nghiệp khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn. Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến…Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng .

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và tồn tại trong nhiều điều kiện khác nhau chính là yếu tố then chốt, tận dụng cơ hội để phát triển đầu tư kinh doanh không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân.

Tại Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục giới thiệu một sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hoá các nguồn lực đưa vào đổi mới sáng tạo. Đó là cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, cụ thể: những doanh nghiệp khởi nghiệp được các Quỹ đầu tư rót vốn sẽ là các doanh nghiệp được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tiếp nhận, hỗ trợ và hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 94. Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ đô-la đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình, anh Tạ Quốc Sử, là một trong những startup tham gia diễn đàn cho biết, từ đơn vị gia công cho doanh nghiệp Thái Lan, anh Sử nghiên cứu các sản phẩm gia vị đặc trưng, sau đó xây dựng thương hiệu riêng và đưa gia vị truyền thống của người Việt vươn ra thế giới.

“Với nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, không thể giữ mãi vị thế gia công, chúng tôi quyết định xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của doanh nghiệp Việt. Tham gia diễn đàn, chúng tôi có cơ hội tiếp cận, trao đổi với đại diện các quỹ đầu tư để tìm kiếm cơ hội hợp tác”, anh Sử chia sẻ.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn

Với kinh nghiệm đồng hành cùng startup, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đánh giá, các startup thường gặp nhiều trở ngại trong giai đoạn đầu, khi họ phải đối mặt với những khó khăn trong việc tối ưu hóa nguồn vốn, mở rộng quy mô hiệu quả hay chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với một thị trường luôn vận động không ngừng và tăng trưởng nhanh chóng. Vì vậy,  Grab cam kết đồng hành, hỗ trợ startup trong giai đoạn khởi nghiệp khó khăn nhất.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 và trong những năm vừa qua, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến nhằm nuôi dưỡng các startup tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn của các công ty công nghệ như Grab để giúp các startup có thêm cơ hội kinh doanh và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
“Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới và nền kinh tế thế giới đang có sự chuyển dịch mới, đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ của khu vực Đông Nam Á, để chúng ta có thể tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa các startup Việt đạt được thành công lâu dài.”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm lời giải và cơ hội cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam hội nhập quốc tế. Diễn đàn cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư kết nối đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có ý tưởng độc đáo, tiềm năng. Thông qua Diễn đàn, với sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ tìm ra hướng đi và sẽ có nhiều dự án thành công trong thời gian tới.

Được tổ chức theo hình thức tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến với các nhà đầu tư quốc tế ở nước ngoài, Diễn đàn trao đổi về các nội dung: Doanh nghiệp kỳ lân – Góc nhìn từ doanh nghiệp và nhà đầu tư; Công nghiệp giáo dục: Tiềm năng phát triển tại Việt Nam; Công nghệ tài chính và thanh toán tại ASEAN; Công nghệ giao vận tại ASEAN.

An Nguyên