Chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. EU được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020. Đây là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập bên lề họp báo công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tới với sự tham gia giới thiệu, trưng bày các sản phẩm, mô hình kinh tế xanh của 24 doanh nghiệp đa ngành Việt Nam và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu EU, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại cho biết, doanh nghiệp hai bên đang có cơ hội rất tốt để tăng cường hợp tác.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp Việt Nam và EU tại sự kiện này nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng hơn, có nhiều cơ hội hợp tác trước những quy định về chuyển đổi xanh và trách nhiệm xã hội của EU.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập. |
“Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến chuyển đổi xanh. Từ năm 2020, chúng tôi đã tổ chức hội thảo đầu tiên liên qua đến phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Trong quá trình xúc tiến thương mại, chúng tôi nhận thấy, cơ hội dành cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ là rất lớn trong việc chuyển đổi xanh. Bởi vì chi phí tuân thủ trong việc thực hiện những yêu cầu mới về chuyển đổi xanh của họ nhỏ hơn rất nhiều so với doanh nghiệp lớn”, ông Phú nói.
Theo Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, đối với doanh nghiệp lớn, họ có hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý tuân thủ theo những yêu cầu đã ổn định rồi. Doanh nghiệp lớn đã đầu tư rất nhiều tiền cho hệ thống kiểm soát và hệ thống quản lý hiện tại. Khi chuyển sang thực hiện những yêu cầu mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp lớn phải phải mất nhiều thời gian và kinh phí hơn để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh từ EU cũng như từ các nước khác.
Trong khi đó, vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp thì ngay lập tức, họ có thể tuân thủ luôn hệ thống quản lý theo yêu cầu mới của EU cũng như với các nước khác. Họ có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận thị trường theo yêu cầu chuyển đổi xanh.
Chia sẻ về hỗ trợ của EU đối với quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt, ông Phú cho biết, EU đã hỗ trợ tài chính, chuyên gia thông qua các dự án, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong thực thi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và trách nhiệm xã hội.
Bên cạnh đó là những là tư vấn chính sách của EU giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế cũng như góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến chuyển đổi xanh, nhất là thông qua Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh.
Sau 4 năm thực thi chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành rất nhiều, với sự chủ động cao. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được vào EU thì phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, trong đó có Thỏa thuận xanh của EU cũng như quy định khác mà gần đây nhất là quy định về trách nhiệm xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức đối với doanh nghiệp có 3.000 công nhân trở lên.
“Hầu hết hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào siêu thị, hệ thống phân phối của EU đều thông qua những công ty xuyên quốc gia của các nước EU. Vì vậy, doanh nghiệp phải từng bước chuyển đổi đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi xanh cũng như giải trình về trách nhiệm xã hội trong thời gian qua”, ông Phú khuyến nghị.