Doanh nghiệp muốn đi xa, đi nhanh phải đi cùng công nghệ, chuyển đổi số

09:50 08/01/2021

Theo các chuyên gia, 2021 sẽ là năm bản lề quan trọng trong quá chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp (DN). Thực tế 2020 và giai đoạn sau COVID-19 cho thấy, các DN tiên phong trong đổi mới đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các DN khác.

năm 2021 sẽ là năm bản lề, mở ra nhiều thuận lợi cũng như cả thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Năm 2021 sẽ là năm bản lề, mở ra nhiều thuận lợi cũng như cả thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. (Ảnh: Internet)

Đâu là nhân tố quyết định chuyển đổi số thành công?

Theo một nghiên cứu của Microsoft và IDC thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bắt buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Hầu hết, 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới, đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Thực tế cho thấy họ là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng. Các doanh nghiệp này có khả năng phản ứng nhanh (Response) trước khủng hoảng, họ có một nền tảng công nghệ vững chắc để phục hồi (Recovery) và họ đã bắt đầu xây dựng lại (Reimagine) chiến lược phát triển cho tương lai. Khả năng phục hồi (Resiliency), cụ thể là khả năng thích ứng nhanh chóng với các điều kiện thay đổi, đã trở thành nhân tố quyết định cho sự thành công trong môi trường hiện nay.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ về việc ứng dụng giải pháp của Microsoft trong học trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: Lưu Quý
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ về việc ứng dụng giải pháp của Microsoft trong học trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: Lưu Quý.

 Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, những doanh nghiệp đã triển khai công nghệ số là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng.Với nền tảng công nghệ đám mây linh hoạt, họ có khả năng tùy chỉnh theo nhu cầu kinh doanh, tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả và khả năng kết nối trong toàn bộ tổ chức.

“Tại Microsoft, chúng tôi gọi đó là Tech Intensity hay Hàm lượng công nghệ - nhân tố quyết định chuyển đổi số thành công”, ông Trường nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Thế Trường, chính sự kết hợp giữa con người và công nghệ bên trong một tổ chức sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để một tổ chức chuyển đổi thành một doanh nghiệp số.

Đặc biệt, theo Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam, các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao là những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số.

Đầu tiên, đó là tầm nhìn và chiến lược. Ở đây, nhiệm vụ của các doanh nghiệp không đơn thuần là làm thế nào để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, mà làm thế nào để kiên cường hơn trong một thế giới đã thay đổi. Tầm nhìn được thể hiện qua chiến lược. Như vậy, doanh nghiệp cần suy nghĩ xa hơn những gì tổ chức nghĩ là có thể - đặc biệt trong thời điểm mà tốc độ và sự nhanh nhạy là thiết yếu để tồn tại.

Thứ 2 là văn hóa. Văn hóa là yếu tố hỗ trợ chiến lược và tầm nhìn, cũng như kích hoạt và trao quyền cho nhân viên. Các tổ chức chuyển đổi số thành công khi toàn bộ nhân viên thống nhất và làm việc trên những giá trị và tầm nhìn mà họ được chia sẻ. Họ cần được tiếp cận với các ý tưởng, quy trình và công nghệ mới - đó là những gì cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi. 

(Ảnh: Internet)

Thứ 3 là tiềm năng khác biệt. Ở đây, doanh nghiệp nào khám phá được tiềm năng khác biệt của tổ chức sẽ đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Mọi tổ chức đều có những tiềm năng nhưng điều quan trọng là tìm ra điểm khác biệt cụ thể - một điểm mấu chốt - có thể khiến doanh nghiệp khác biệt theo một cách hoàn toàn mới.

Cuối cùng là năng lực. Đây là sự kết hợp giữa năng lực về con người và năng lực về công nghệ. Doanh nghiệp cần có nguồn lực nhân sự được trang bị kỹ năng phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Họ cũng cần có những nền tảng công nghệ thích hợp và an toàn với khả năng trao quyền cho nhân viên tiếp cận từ xa để phát triển kinh doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.  

Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam một lần nữa khẳng định việc áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để một tổ chức chuyển đổi thành một doanh nghiệp số.

“Chính sự kết hợp giữa con người và công nghệ bên trong một tổ chức sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.  Để thành công, doanh nghiệp cần có cả tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức, và tiềm năng khác biệt. Những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới”, ông Trường cho biết.

Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số để thích nghi với tình hình mới

Nhìn từ thực tiễn, nhiều chuyên gia khẳng định, lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam đang dần thay đổi tư duy về chuyển đổi số. Thay vì phải xem xét có nên chuyển đổi số hay không thì nhiều doanh nghiệp đã coi chuyển đổi số là hướng đi sống còn. Trong đó, ngân hàng là một trong những ngành đẩy mạnh chuyển đổi số từ rất sớm, quyết liệt và tạo được sự khác biệt, nhất là trước và sau dịch COVID-19.

Nếu như trước dịch, đẩy nhanh chuyển đổi số ở ngân hàng chưa phải là câu chuyện bắt buộc, một số ngân hàng lớn có nguồn lực tốt đầu tư nhiều, các ngân hàng nhỏ tham gia theo trào lưu... thì đến nay, các ngân hàng đã dần coi chuyển đổi số là chiến lược của mình.

(Ảnh: Internet)

Ông Tống Văn Tiến, Giám đốc đổi mới số Khối công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, vài năm trước, các ngân hàng tập trung chuyển đổi các kênh giao dịch mang tính đơn giản, chưa có nhiều ấn tượng và trải nghiệm mới. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm nảy sinh ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi các ngân hàng phải chuyển đổi số mạnh hơn để tiết giảm chi phí, tăng doanh số...

Nắm bắt thời cơ này, TPBank đã triển khai triệt để các giải pháp chuyển đổi số. Qua đó, TPBank đã có 75 quy trình sử dụng tự động hóa, với khoản đầu tư không lớn nhưng đạt kết quả cao gấp 2 lần, tiết kiệm được 45 nhân sự...

Ở một góc độ khác, ông Lương Lực Văn, Tổng Giám đốc Nanoco, cho biết trước chuyển đổi số, doanh nghiệp gặp hai thách thức lớn. Thứ nhất, các giải pháp lưu trữ tại chỗ không thể xử lý được khối lượng yêu cầu kinh doanh ngày càng phức tạp. Thứ hai, chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng ngày gia tăng và tốn kém. Vì vậy, Nanoco quyết định trở thành doanh nghiệp số khi chuyển sang sử dụng nền tảng đám mây.

"Khi quyết định chuyển sang nền tảng lưu trữ đám mây, nhiều lãnh đạo Nanoco chưa thực sự ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn và được đền đáp xứng đáng. Nanoco đã có sự thay đổi lớn trong cách vận hành và quản lý doanh nghiệp", ông Lương Lực Văn chia sẻ.

Mặc dù cũng đạt được một số thành tựu nhưng các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số không phải câu chuyện ngắn hạn mà là cả một quá trình không có điểm kết thúc. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, yếu tố quyết định vẫn là con người rồi mới đến quy trình và công nghệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định rõ và có lộ trình cho việc này. Doanh nghiệp cần xem việc trang bị năng lực công nghệ thông tin cho mình như là một yếu tố sống còn, nếu không muốn bị đào thải theo quy luật thị trường.

Trà My