Tương tự với tình hình chung của cả thế giới, khi mà tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư quốc tế, chỉ số BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất với 26% trong quý đầu tiên của năm 2020, tương đương mức giảm 51 điểm từ 77% được ghi nhận vào cuối năm 2019. Kết quả này trực tiếp phản ảnh tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 90% các lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của họ, với hơn một nửa báo cáo tác động tiêu cực là "đáng kể". Trong khi đó, gần 80% được khảo sát cho rằng việc kinh doanh của họ đã phải chịu chi phí cao hơn do các biện pháp nhằm bảo vệ công nhân và ngăn chặn sự lây lan của virus được thực hiện.
Bất chấp tác động tiêu cực về mặt kinh tế của Covid-19, các công ty châu Âu vẫn đang thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người lao động. Bốn trên năm lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi tự tin rằng họ sẽ có thể giữ lại ít nhất 70% số lượng lao động trong quý tiếp theo. Trong khi đó, 80% doanh nghiệp đã yêu cầu nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Chỉ số Môi trường Kinh doanh BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.
Các thành viên EuroCham cũng hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là biện pháp phổ biến nhất, theo sau đó là việc tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, EuroCham cũng đưa ra câu hỏi khảo sát về những biện pháp nào có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kết quả là, khoảng ba phần tư cho biết việc gia hạn nộp các loại thuế khác như thuế TNDN, TNCN, thuế VAT và thuế TTĐB cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty.
Nhận xét về kết quả khảo sát BCI Quý 1/2020, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết: “Dữ liệu này cho thấy dịch Covid-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, đây là một đại dịch toàn cầu và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải hứng chịu những tác động của cuộc khủng hoảng này. Nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ, chắc chắn tình hình tại đây sẽ trở nên tồi tệ. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hết sức hoan nghênh các biện pháp được đưa ra, những biện pháp đó sẽ giúp cung cấp một huyết mạch cho các công ty và công nhân của họ vượt qua thời gian khó khăn này”
Ông Nicolas Audier cũng cho rằng, dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng có diễn biến thay đổi nhanh chóng và nó đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô. Do đó, có thể sớm đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cùng vượt qua cơn bão này và trở lại hoạt động kinh doanh càng sớm càng tốt. Ông Nicolas Audier đồng thời khẳng định: “EuroCham cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc duy trì nền tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, và các thành viên của chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ những khuyến nghị để giúp giảm thiểu sự gián đoạn của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh - và trên hết - để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người dân.”