Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng Việt Nam giai đoạn 2024-2028, do Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) thực hiện với sự tài trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trong ngành cảng biển. Đặc biệt, các vị trí như điều khiển phương tiện, thiết bị cẩu quay, cẩu khung, xe đầu kéo, cùng các công việc liên quan đến kỹ thuật, bốc xếp và bảo trì, đều gặp khó khăn trong tuyển dụng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ứng viên thiếu kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn cần thiết. Số lượng cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành cảng còn hạn chế, khiến cho việc đào tạo nhân lực trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, các điều kiện làm việc khắc nghiệt, yêu cầu về cam kết làm việc dài hạn và mức lương chưa đủ cạnh tranh cũng là những yếu tố khiến việc tuyển dụng trở nên thách thức.
Báo cáo cũng đề cập đến năm xu hướng phát triển quan trọng của ngành cảng trong giai đoạn 2024-2028, bao gồm việc triển khai cảng điện tử và thông minh, sử dụng thiết bị xếp dỡ tự hành, áp dụng cảng xanh với nhiên liệu sạch, robot và tự động hóa, cùng trí tuệ nhân tạo (AI). Những xu hướng này đòi hỏi sự thay đổi lớn về nhu cầu nhân lực, đặc biệt là đối với các vị trí vận hành thiết bị và khai thác kỹ thuật tại các cảng biển.
Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực và yêu cầu nâng cao trình độ kỹ năng lao động, báo cáo đề xuất rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung và làm rõ nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
P.V (t/h)